image banner
Hội Khuyến học Việt nam tổ chức Hội thảo Khuyến học xanh

Sáng 25/4, tại Cung trí thức Thành phố Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội thảo Khuyến học xanh – nhằm thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”.

Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội thảo Khuyến học xanh – nhằm thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”. Ảnh: CDKH

Hội khuyến học phải làm gì về “Tăng trưởng xanh” với tư duy xanh, lối sống xanh, kỹ năng xanh?

Tham dự hội thảo có: GS.TS Nguyễn Thị Doan – nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì hội thảo; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng; Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Thị Hòe, Nguyễn Hồng Sơn; cùng với lãnh đạo các bộ, ban, ngành cơ quan Trung ương và các Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu rõ: Cụm từ "Phát triển xanh", "Tăng trưởng xanh", "Phát triển bền vững" đã thành mục tiêu của hầu hết các quốc gia trên thế giới cần hướng tới. Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững chưa khi nào được các quốc gia quan tâm như hiện nay. Nó là xu hướng tất yếu, là quy luật, là mệnh lệnh để bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta. Trải qua bao biến cố do biến đổi khí hậu, do sự tàn phá thiên nhiên của con người, do nhận thức thiển cận của con người, của nhiều quốc gia về tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội mà trái đất nóng lên từng ngày, thiên tai ngày càng trầm trọng, tính mạng con người bị đe dọa, lối sống văn hóa bị hủy hoại... Trước tình hình toàn hành tinh "kêu cứu", Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu 1992 đã đề cập toàn diện về quyết tâm bảo vệ hệ thống khí hậu cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Quốc tế và các quốc gia đã tổ chức nhiều hội nghị bàn về vấn đề này. Mới đây tại Hà Nội, ngày 17/4/2025 Hội nghị Thượng đỉnh P4G là một cam kết mạnh mẽ của các quốc gia về phát triển xanh, con người xanh, phát triển bền vững. Tại nước ta, ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg, đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện tăng trưởng xanh của đất nước. Những mục tiêu trong Quyết định 1658/QĐ-TTg đều hướng đến con người. Con người vừa là chủ thể, vừa là đối tượng, vừa là động lực trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của đất nước. Để thực hiện chiến lược này, tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp đều triểu khai kế hoạch cho tổ chức mình, nhằm thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

GS.TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Không thể đứng ngoài dòng chảy đó, từ tháng 8/2024, tại Hội thảo "Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo công dân tốt, cán bộ tốt", cụm từ "Khuyến học xanh" đã được Hội Khuyến học Việt Nam đề cập đến, khi đó mới nhắm vào nội dung hướng công tác khuyến học vào lứa tuổi còn trẻ (16-44 tuổi) - nghĩa đen là khuyến học hướng tới đối tượng tuổi "đầu còn xanh". Sau Hội thảo, Trung ương Hội phát triển thành vấn đề "Khuyến học xanh" nhằm phục vụ phát triển bền vững của đất nước và thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng và tháng 12/2024, tại cuộc họp Ban Chấp hành Hội tổng kết công tác năm 2024, phương hướng 2025 đã chính thức đưa vấn đề "Khuyến học xanh" vào chương trình công tác năm 2025. Nội dung của khuyến học xanh còn rất mới mẻ. 

GS.TS Nguyễn Thị Doan nhận định, sau khi khuyến học xanh được đưa vào chương trình công tác, GS.TS Phạm Tất Dong là người cày xới đầu tiên về nội dung này. Đây là một đợt học tập sôi động trong toàn hệ thống Hội Khuyến học Việt Nam. Mọi người nhiệt tình học tập, đọc, viết và quyết tâm đưa vào kế hoạch tổ chức buổi hội thảo khiêm tốn về "Khuyến học xanh đáp ứng yêu cầu phát triển xanh, bền vững theo Quyết định 1658/QĐ-TTg" trong toàn hệ thống hội.

Nội dung của tăng trưởng xanh, phát triển xanh, giáo dục xanh, phát triển bền vững thì đã có nhiều bài viết trên các báo, thậm chí đã xuất bản nhiều sách về vấn đề này. Song riêng nội dung về khuyến học xanh là một vấn đề khó, chưa có nhà khoa học hoặc tổ chức nào đề cập đến. Hội khuyến học lại không trực tiếp tổ chức giáo dục trong nhà trường mà chỉ khuyến khích, vận động, phối hợp, thúc đẩy sự học của nhân dân, hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường mà thôi, vậy làm thế nào để Khuyến học xanh hỗ trợ giáo dục xanh trong bối cảnh hiện nay. Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề tại Hội, Trung ương Hội đã xác định: xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của mình, Khuyến học xanh nhằm thúc đẩy sự phát triển của tư duy xanh, lối sống xanh và kỹ năng xanh của mọi người. 

Anh-tin-bai

GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: CDKH

Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, điều này đáp ứng 3 mục tiêu:

1. Để các hội viên nâng cao nhận thức về phát triển xanh, phát triển bền vững, vận dụng tìm ra nội dung của khuyến học xanh. Từ đó hiểu sâu sắc hơn vai trò của Hội Khuyến học trong thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg; góp phần thực hiện tốt nội dung giáo dục xanh phục vụ phát triển bền vững của đất nước.

2. Từ nội dung Hội thảo, tiến tới sửa đổi, bổ sung tiêu chí làm "Xanh hóa" các mô hình học tập hiện Hội đang thực hiện, nhưng khi xây dựng tiêu chí, chưa xuất hiện ý tưởng về Khuyến học xanh và thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg.

3. Phối hợp với các cơ quan có liên quan, đặc biệt với Bộ Giáo dục và Đào tạo thúc đẩy giáo dục xanh, khuyến học xanh trong thời gian tới.

GS.TS Nguyễn Thị Doan cho biết, Hội khuyến học nhiều tỉnh đã tổ chức tọa đàm hoặc hội thảo, kết quả hết sức tốt đẹp, hội thảo nhận được nhiều bài viết có giá trị và giá trị trước tiên là nhận thức về khuyến học xanh được nâng lên thông qua các buổi tọa đàm (như là 1 lớp học) về phát triển xanh, tăng trưởng xanh, giáo dục xanh và khuyến học xanh. Và quan trọng là sau các lớp học đó, chúng ta sẽ có tư duy, nhận thức, hành động, kỹ năng theo hướng xanh hóa để bảo vệ môi trường sống, môi trường làm việc, môi trường văn hóa nhằm phát triển bền vững từng cá nhân, gia đình, dòng họ và đất nước.

"Đây là vấn đề mới, là sự đổi mới tư duy, cách tiếp cận các vấn đề của quốc gia khi Hội khuyến học chỉ là chất xúc tác, góp phần vào thành công của các chiến lược lớn, bởi vì Học tập suốt đời mà Hội đóng vai trò nòng cốt trong thúc đẩy là chìa khóa, là quy luật dẫn tới bất cứ thành công nào, trong đó có chiến lược tăng trưởng xanh của đất nước" - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nói.

GS.TS. Phạm Tất Dong: Phát triển Khuyến học xanh trong hệ thống giáo dục chuyển đổi xanh

Anh-tin-bai

GS.TS Phạm Tất Dong: Giáo dục xanh là một mô hình giáo dục được hình thành nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: CDKH

Trình bày tham luận tại Hội thảo, GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh: Giáo dục xanh là một mô hình giáo dục được hình thành nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững

Công việc này không chỉ dừng lại ở việc thay đổi về cơ sở vật chất, mà chương trình đào tạo, nội dung và phương pháp giáo dục - giảng dạy cũng phải được "xanh hóa" để phát triển kiến thức, kỹ năng, thái độ, các giá trị cho người học (cả thế hệ trẻ lẫn người lớn) để họ có được những năng lực đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. Mô hình "Giáo dục xanh" định hướng tương lai vào việc bảo vệ môi trường sống, xã hội văn minh, kinh tế tăng trưởng trước nguy cơ suy thoái của hệ sinh thái.

Mục tiêu của giáo dục xanh ở Việt Nam cần tập trung:

Một là, xây dựng mẫu công dân có lối sống xanh, tiêu dùng xanh trên nền tảng phát triển tư duy xanh. Đó là một công dân học tập ngoài những năng lực cốt lõi và những phẩm chất mong muốn đã được quy định thành tiêu chuẩn do Nhà nước ban hành thì phải có thêm những năng lực và phẩm chất xanh đó.

Hai là, phải chuyển đổi xanh toàn diện nền giáo dục quốc dân, từ trường lớp đến chương trình, nội dung, phương pháp, quản lý sức khỏe học đường, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật thân thiện với môi trường...

Ba là, tham gia các chương trình chuyển đổi xanh giáo dục của thế giới, trở thành thành viên của các cuộc vận động giáo dục xanh toàn cầu, liên kết và hợp tác với các quốc gia để có được sự thống nhất về chuyển đổi xanh giáo dục nhằm chung sức bảo vệ cuộc sống xanh của trái đất.

PGS.TS. Trương Mạnh Tiến (Hội Kinh tế Môi trường): Khuyến học xanh – Hướng tới công dân học tập vì phát triển bền vững

Anh-tin-bai

PGS.TS Trương Mạnh Tiến phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CDKH

Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, khuyến học xanh là một hướng tiếp cận mới trong lĩnh vực giáo dục và phát triển cộng đồng, được xây dựng trên nền tảng của giáo dục suốt đời, đồng thời tích hợp tư duy phát triển bền vững và hành vi thân thiện với môi trường. Khuyến học xanh là bước chuyển tất yếu trong bối cảnh giáo dục toàn cầu  yêu cầu phát triển bền vững. Đây không chỉ là một phong trào hay chương trình ngắn hạn, mà là một chiến lược lâu dài để tạo ra một xã hội học tập xanh. 

Việc đầu tư vào khuyến học xanh cũng chính là đầu tư vào tương lai, vào một thế hệ công dân có tri thức, có trách nhiệm và có khả năng kiến tạo một Việt Nam xanh – sạch – đẹp.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến nêu 4 nội dung trọng tâm và mục tiêu chính của khuyến học xanh không thể tách rời, tạo thành hệ sinh thái học tập xanh toàn diện gồm: 

1. Xanh hóa tư duy và hành vi học tập

2. Xanh hóa môi trường học tập

3. Xanh hóa nội dung, phương pháp giảng dạy

4. Xanh hóa cộng đồng học tập

PGS.TS Trương Mạnh Tiến cũng cho rằng, để đạt được hiệu quả trong công tác khuyến học xanh, cần có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các bên: chính quyền, trường học, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và đặc biệt là chính mỗi người dân. Việc triển khai khuyến học xanh tại Việt Nam trong những năm gần đây nhận được sự quan tâm ngày càng lớn từ các cấp, các ngành và toàn xã hội. Tuy nhiên, để chuyển hóa từ định hướng chính sách thành hành động cụ thể và hiệu quả, cần nhìn nhận rõ ràng cả những thuận lợi hiện có và thách thức cần vượt qua.

Thứ nhất, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, chuyển đổi xanh: Việt Nam đã xác định rõ chuyển đổi xanh là một trong ba trụ cột chiến lược cùng với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Các văn kiện như Chiến lược Tăng trưởng xanh (2021–2030), Chiến lược phát triển giáo dục 2021–2030, các Nghị quyết của Trung ương và chương trình mục tiêu quốc gia đều lồng ghép mục tiêu bền vững và trách nhiệm môi trường. Điều này tạo hành lang pháp lý và nền tảng chính trị vững chắc để các mô hình khuyến học xanh được triển khai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.

Thứ hai, hệ thống tổ chức Hội Khuyến học và mạng lưới cộng đồng học tập rộng khắp

Việt Nam có hàng chục nghìn Trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, hàng triệu "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập" – đây là nền tảng cực kỳ thuận lợi để triển khai học tập xanh một cách sâu rộng và lan tỏa.

Hội Khuyến học Việt Nam và các tổ chức đoàn thể có kinh nghiệm tổ chức phong trào, dễ tiếp cận với người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

Thứ ba, nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường ngày càng tăng

Thứ tư, sự hỗ trợ từ công nghệ và xu hướng giáo dục mở không bị giới hạn bởi thời gian và không gian.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến nêu một số khó khăn khi thực hiện khuyến học xanh như: Thiếu khung chương trình, tài liệu chuẩn hóa về học tập xanh; Năng lực triển khai còn hạn chế ở nhiều địa phương; Thiếu kinh phí và cơ chế tài chính dài hạn; Sự quan tâm chưa đồng đều giữa các vùng miền, lĩnh vực; Tâm lý coi học tập xanh là phong trào ngắn hạn, thiếu chiều sâu.

Theo đó, khuyến học xanh đang đứng trước một "cửa sổ cơ hội" lớn khi các điều kiện chính trị, xã hội và công nghệ đều đang ủng hộ hướng phát triển này. Tuy nhiên, để phát triển sâu và rộng, cần vượt qua những rào cản về năng lực, cơ chế và nhận thức xã hội. Việc nhận diện đúng thuận lợi – khó khăn là cơ sở để đề xuất các giải pháp khả thi, bền vững và có tầm chiến lược.

Từ đó, tại hội thảo PGS.TS Trương Mạnh Tiến đưa ra các đề xuất và kiến nghị: 

1. Xây dựng bộ tiêu chí và khung đánh giá hoạt động khuyến học xanh

2. Tổ chức đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác khuyến học

3. Tích hợp nội dung khuyến học xanh vào chương trình giáo dục chính quy và không chính quy

4. Hỗ trợ tài chính và cơ chế khuyến khích phát triển mô hình khuyến học xanh

5. Tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế

6. Đẩy mạnh truyền thông, lan tỏa mô hình học tập xanh tiêu biểu

PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhấn mạnh: Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong thay đổi hành vi – yếu tố cốt lõi của khuyến học xanh. Các mô hình hay cần được chia sẻ để tạo động lực cho nơi khác học hỏi và cải tiến.

"Các đề xuất trên đây đều hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái học tập xanh toàn diện, gắn liền giữa cá nhân – cộng đồng – nhà trường – chính quyền. Để khuyến học xanh không chỉ là khẩu hiệu, mà trở thành phong trào bền vững, Việt Nam cần một chiến lược dài hơi, huy động được sự đồng hành của toàn xã hội và học hỏi kinh nghiệm quốc tế một cách bài bản" - PGS.TS Trương Mạnh Tiến nói.

Ông Vũ Mạnh Hiền - Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Thái Bình: Khuyến học xanh là một xu hướng giáo dục rất cần thiết trong thời đại ngày nay

Anh-tin-bai

Ông Vũ Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình. Ảnh: CDKH

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, ông Vũ Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình nhận định: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trở thành vấn đề cấp bách, khuyến học xanh đang nổi lên như một giải pháp quan trọng để giáo dục mọi người nhất là thế hệ trẻ về ý thức bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Khuyến học xanh không chỉ đơn thuần là việc hỗ trợ học tập mà còn là định hướng giúp học sinh, sinh viên, học viên phát triển tư duy và hành động có trách nhiệm với môi trường.

Ông Vũ Mạnh Hiền nêu rõ: Khuyến học xanh với đặc trưng "Tư duy xanh, Lối sống xanh và Kỹ năng xanh", đóng vai trò chủ đạo và vô cùng quan trọng trong việc xây dựng một xã hội bền vững và thân thiện với môi trường. Trong đó, tư duy xanh giúp mỗi cá nhân nhận thức rõ ràng về mối liên kết giữa hoạt động con người và tác động đến thiên nhiên, từ đó hình thành ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ hệ sinh thái. 

Lối sống xanh khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm tái chế, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu chất thải, tạo dựng môi trường sống lành mạnh.

Kỹ năng xanh, bao gồm khả năng ứng dụng công nghệ sạch, quản lý tài nguyên hiệu quả và phát triển các giải pháp sáng tạo trong bảo vệ môi trường, giúp mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, trở thành những người có trách nhiệm và sáng tạo trong việc bảo vệ hành tinh.

Theo đó, khuyến học xanh là một xu hướng giáo dục rất cần thiết trong thời đại ngày nay. Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức và cộng đồng, Khuyến học xanh sẽ ngày càng lan rộng, tạo ra những tác động tích cực đối với môi trường và xã hội. Giáo dục mọi người nhất là thế hệ trẻ về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường là nền tảng vững chắc cho một tương lai phát triển bền vững của đất nước.

Khuyến học xanh là một mô hình giáo dục kết hợp giữa việc khuyến khích học tập và phát triển bền vững. Mô hình này không chỉ hướng đến việc nâng cao tri thức mà còn giúp người học hình thành ý thức bảo vệ môi trường, áp dụng các giải pháp xanh vào cuộc sống và công việc, hướng tới một tương lai bền vững.

Đây cũng là một phần của chiến lược giáo dục toàn cầu nhằm thay đổi phương pháp dạy và học, thích ứng với những thách thức như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên. Mục tiêu của Khuyến học xanh là trang bị cho người học kiến thức, lối sống, kỹ năng và tư duy cần thiết để đóng góp vào một xã hội phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và xây dựng một thế giới công bằng hơn về mặt sinh thái, xã hội.

Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Thái Bình nhận định: "Khuyến học xanh không chỉ dừng lại ở việc trang bị tri thức mà còn giáo dục về môi trường, hướng dẫn người học có tư duy xanh, lối sống xanh, kỹ năng xanh và sống có trách nhiệm với hành tinh. Các chương trình trong mô hình này có thể bao gồm việc áp dụng công nghệ sạch, giảm thiểu rác thải nhựa, tiết kiệm năng lượng, khuyến khích sử dụng tài nguyên tái tạo và đổi mới phương pháp giáo dục để giúp người học hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên".

Cùng với đó, khuyến học xanh là việc tích hợp các giá trị môi trường vào các chương trình học tập, khuyến khích mỗi cá nhân học không chỉ để phát triển bản thân mà còn để đóng góp vào việc bảo vệ hành tinh.

Khuyến học xanh là một phong trào thúc đẩy học tập gắn liền với ý thức bảo vệ môi trường hướng đến sự phát triển bền vững.

Chia sẻ cách thức tổ chức khuyến học xanh, ông Vũ Mạnh Hiền nêu: 

Đối với nhà trường: Xây dựng các chương trình giáo dục môi trường "Sáng – xanh – sạch – đẹp" trong nhà trường; Tạo môi trường học tập an toàn, hấp dẫn và thân thiện cho người học, thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền, phụ huynh và giáo viên và cộng đồng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; Tạo cơ hội cho người học, học sinh, sinh viên tham gia các dự án bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu...

Xây dựng "Vườn trường học xanh": Mỗi trường học thiết lập một khu vườn trồng cây xanh, vừa là nơi học tập, vừa là nơi giáo dục học sinh về bảo vệ môi trường.

Chương trình "Học sinh sáng tạo vì môi trường": Tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo liên quan đến tiết kiệm năng lượng, tái chế rác thải, hoặc cải thiện môi trường sống; Hỗ trợ triển khai các dự án khả thi từ ý tưởng của học sinh.

Giờ học xanh: Tích hợp giáo dục môi trường vào các môn học như sinh học, địa lý, và hóa học; Tổ chức giờ học thực tế ngoài trời tại các khu vực như rừng trồng mới, vườn trường hoặc công viên.

Câu lạc bộ "Xanh và Tri thức" khuyến khích học sinh tham gia các câu lạc bộ bảo vệ môi trường và học tập hiệu quả.

Tuần lễ xanh: Phát động trong toàn trường với các hoạt động: không rác thải nhựa, tiết kiệm năng lượng, và làm đồ thủ công từ vật liệu tái chế.

Tổ chức các hoạt động vì môi trường xanh: dọn rác tại các bãi biển, khu công cộng; Hỗ trợ các chiến dịch làm sạch môi trường ở địa phương. Tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt hàng ngày: điện, nước... Phong trào "Học sinh Xanh - Hành động nhỏ, thay đổi lớn"

Đối với gia đình: Cha mẹ làm gương trong việc tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu rác thải, thực hiện lối sống xanh

Khuyến khích con cái tham gia các hoạt động xanh như trồng cây, làm vườn, xây dựng không gian sống xanh, ngôi nhà xanh ...

Tổ chức lối sống gia đình xanh để cả nhà cùng tham gia bảo vệ môi trường

Đối với xã hội: Các tổ chức xã hội cần tăng cường tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về khuyến học xanh, xây dựng môi trường xanh, cộng đồng xanh. Tổ chức các buổi hội thảo, tuyên truyền trên báo đài, và mạng xã hội để nâng cao nhận thức của cộng đồng về khuyến học xanh; Phát động các ngày hội môi trường, trồng cây, và dọn dẹp trường học xanh.

Hỗ trợ về tài chính và nguồn lực cho các trường học, khu dân cư và cộng đồng triển khai mô hình giáo dục xanh bền vững.

Mô hình "Khuyến học xanh" không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường tại Thái Bình. Việc triển khai mô hình này đòi hỏi sự đồng lòng của các cấp chính quyền, tổ chức xã hội, và cộng đồng địa phương để đạt được mục tiêu bền vững lâu dài.

GS.TS. Nguyễn Văn Minh (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)

Anh-tin-bai

GS.TS Nguyễn Văn Minh (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: CDKH

Tham gia phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Minh (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) nhấn mạnh: Thế giới đang chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn và xã hội bền vững hơn. Tương lai của hành tinh sẽ được quyết định bởi hành động của con người trong việc đảm bảo các Mục tiêu Phát triển Bền vững (Sustainable Development Goals, SDG). Sản xuất sạch hơn, học tập dựa trên thiên nhiên, môi trường và giáo dục xanh ngày càng nổi lên như một số khía cạnh cần được xem xét để đạt được SDG.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, giáo dục xanh được hiểu là mô hình giáo dục được hình thành để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững (ESD - Education for Sustainable Development). Giáo dục xanh, còn được gọi là giáo dục môi trường hoặc giáo dục bền vững, là một phương pháp sư phạm tập trung vào việc dạy cho cá nhân về các vấn đề môi trường, các khái niệm sinh thái và các hoạt động bền vững. 

Không chỉ dừng lại ở việc thay đổi cơ sở vật chất, chương trình đào tạo còn được "xanh hóa" để phát triển kiến thức, kỹ năng, thái độcho thế hệ trẻ có thể đóng góp vào mô hình phát triển bền vững. Mô hình giáo dục này định hướng tương lai bằng cách tập trung vào các giá trị bảo vệ môi trường, xã hội văn minh trước nguy cơ suy thoái hệ sinh thái.

GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng, các hoạt động giáo dục xanh là các phương pháp tiếp cận và chiến lược giáo dục nhằm mục đích thúc đẩy nhận thức, sự hiểu biết và hành động hướng tới bảo tồn môi trường, phát triển bền vững và quản lý có trách nhiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Những hoạt động này tích hợp các khái niệm và giá trị về môi trường vào nhiều khía cạnh khác nhau của giáo dục, từ hướng dẫn chính thức trong lớp học đến các trải nghiệm học tập không chính thức.

GS.TS Nguyễn Văn Minh đề xuất:

Đối với bậc phổ thông: Giáo dục phổ thông đặt nền tảng cho việc học tập suốt đời. Nhận ra điều này, nhiều trường đã đưa các chủ đề về công nghệ xanh vào chương trình giảng dạy tiêu chuẩn của mình. Những sáng kiến này nhằm mục đích giúp học sinh làm quen với các khái niệm và công nghệ về môi trường ngay từ khi còn nhỏ.

Học tập trải nghiệm là một hoạt động hiệu quả. Giáo dục xanh thường bao gồm học tập trải nghiệm, chẳng hạn như các chuyến đi thực tế, dã ngoại trong thiên nhiên và các hoạt động ngoài trời. 

Những trải nghiệm thực hành này cho phép học sinh kết nối trực tiếp với môi trường và hiểu sâu hơn về các hệ sinh thái và các vấn đề môi trường. Tích hợp các chủ đề về môi trường vào nhiều môn học khác nhau như khoa học, nghiên cứu xã hội, toán học và nghệ thuật ngôn ngữ.

Phương pháp tiếp cận này giúp học sinh hiểu được mối liên hệ giữa các vấn đề môi trường và tác động của chúng đối với các khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Việc thu hút học sinh vào các dự án liên quan đến các vấn đề môi trường khuyến khích tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và hợp tác. Học sinh có thể làm việc trên các sáng kiến như dự án vườn cộng đồng, chiến dịch giảm chất thải hoặc thí nghiệm năng lượng tái tạo. 

Việc phát triển chương trình giảng dạy bao gồm các chủ đề và khái niệm liên quan đến tính bền vững giúp học sinh nắm bắt được tầm quan trọng của các hoạt động bền vững, chẳng hạn như bảo tồn năng lượng, giảm chất thải và quản lý tài nguyên. 

Giáo dục xanh khuyến khích học sinh phân tích các thách thức phức tạp về môi trường và đề xuất các giải pháp sáng tạo. Điều này thúc đẩy các kỹ năng tư duy phản biện và giúp học sinh trở thành người giải quyết vấn đề tích cực. 

Giáo dục xanh thường nêu bật các vấn đề môi trường toàn cầu và khuyến khích học sinh suy nghĩ vượt ra ngoài bối cảnh địa phương của mình. Góc nhìn rộng hơn này giúp học sinh hiểu được tác động toàn cầu của hành động của mình.

Ngoài ra, theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, các môn học tích hợp, STEM và tìm hiểu sinh thái cũng rất cần thiết với học sinh phổ thông. 

Theo đó, môn học tích hợp: Các môn học cốt lõi như khoa học, địa lý và nghiên cứu xã hội hiện bao gồm các mô-đun về biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo và tính bền vững. 

STEM và Công nghệ xanh: Các chương trình STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) ngày càng nhấn mạnh vào các ứng dụng công nghệ xanh, cung cấp cho học sinh những hiểu biết sâu sắc về năng lượng mặt trời, tua-bin gió và xe điện. 

Tìm hiểu về sinh thái: Một số trường hợp tác với các tổ chức môi trường để giới thiệu các chương trình hiểu biết về sinh thái, dạy học sinh về hệ sinh thái, bảo tồn và cuộc sống bền vững.

Đối với bậc đại học: Việc tạo ra và phát triển nguồn nhân lực có liên quan trực tiếp đến giáo dục đại học ở một quốc gia. Giáo dục đại học xanh liên quan đến việc tạo ra kiến thức, kỹ năng và thái độ và giá trị liên quan đến môi trường. Nhìn chung, môi trường và nền kinh tế có sự phụ thuộc lẫn nhau, và do đó, việc kết nối giáo dục xanh với nền kinh tế của quốc gia là điều cần thiết.

Nền kinh tế xanh nên được sử dụng làm điểm trung tâm để hiểu mối liên hệ giữa môi trường tự nhiên và các lực lượng môi trường khác như chính trị, xã hội và kinh tế. Nguồn lực con người được tạo ra không chỉ nên xem xét khía cạnh kinh tế của doanh nghiệp mà còn cả khía cạnh xã hội. 

Nhu cầu về việc làm xanh đang rất cao. Năng lượng mặt trời và năng lượng gió vẫn phải được sử dụng để tiếp cận quần chúng một cách hiệu quả, đòi hỏi những nhà quản lý xanh hiệu quả. 

Từ ngành xây dựng đến tất cả các lĩnh vực quản lý đều cần tạo ra tương lai bền vững, có nghĩa là cần nhiều sinh viên tốt nghiệp theo định hướng xanh. Cơ sở hạ tầng phải theo cách mà các tòa nhà, chi phí năng lượng, độ tin cậy và hiệu suất có tác động tích cực đến môi trường. 

Các hệ thống, quy trình, cấu trúc, thủ tục và thiết bị để học xanh là những cách thân thiện với môi trường. Xanh có thể được sử dụng rộng rãi khi nó là học tập mở và từ xa. 

Các nguồn lực của trường đại học phải theo cách cam kết của các nhà quản lý cấp cao, các cơ sở xây dựng, các khoa tin vào hệ tư tưởng xanh, chương trình giảng dạy hỗ trợ hoạt động từ thiện và lợi ích giữa các sinh viên. Môi trường cung cấp những thách thức điển hình cho thế hệ hiện tại và tương lai về mặt biến đổi khí hậu, tài nguyên cạn kiệt, các vấn đề về nước, đói nghèo, lương thực và các vấn đề chiến tranh, các bệnh do môi trường gây ra và ô nhiễm. 

GS.TS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh: Các thế hệ tương lai phải có khả năng hiểu và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và trong quá trình đó bảo vệ sức khỏe con người bằng cách trở thành những người khởi xướng bảo vệ môi trường. Điều này còn được đẩy nhanh hơn nữa ở các nước đang phát triển do sự phát triển kinh tế kém và sự bùng nổ dân số cao. Các sáng kiến được thực hiện từ các trường cao đẳng và đại học sẽ giúp sinh viên phát triển kiến thức, kỹ năng và thái độ để đấu tranh với những vấn đề này. 

"Mỗi trường đại học cần đặt ra nhiệm vụ giải quyết các vấn đề liên quan đến tính bền vững. Các giảng viên là một bên liên quan quan trọng trong hệ thống này có vai trò lớn trong việc cập nhật và thông tin cũng như truyền đạt kiến thức theo cách sáng tạo. Toàn bộ phương pháp giảng dạy nên hướng đến việc học hơn là hướng đến việc giảng dạy". 

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, phương pháp sư phạm nên bao gồm các trải nghiệm học tập trong thế giới thực để việc học trở nên rất hiệu quả. Các chuyên đề linh hoạt có thể được thêm vào trong loại hệ thống này là nông nghiệp, canh tác hữu cơ, khí hậu và khí quyển, du lịch xanh, dịch vụ y tế xanh, giao thông xanh... Theo hình thức này, con người, hành tinh và lợi nhuận sẽ đạt được trong tất cả các ngành công nghiệp.

Giáo dục xanh cũng bao gồm việc nâng cao kiến thức của sinh viên trong việc sử dụng công nghệ xanh. Máy tính và công nghệ thông tin đã được coi là công nghệ xanh do đóng góp của chúng vào môi trường sạch trong nhiều quy trình tự động hóa công nghiệp. 

Công nghệ nano xanh đã được mô tả là sự phát triển của các công nghệ sạch, "để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn về môi trường và sức khỏe con người liên quan đến việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghệ nano, và khuyến khích thay thế các sản phẩm hiện có bằng các sản phẩm nano mới thân thiện hơn với môi trường trong suốt vòng đời của chúng. Công nghệ nano xanh là nghiên cứu về cách công nghệ nano có thể mang lại lợi ích cho môi trường, chẳng hạn như bằng cách sử dụng ít năng lượng hơn trong quá trình sản xuất, khả năng tái chế sản phẩm sau khi sử dụng và sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường.

Có thể đạt được mục tiêu được phát triển bền vững thông qua việc sử dụng khoa học và công nghệ. Điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi cơ bản trong thái độ của mọi người đối với thiên nhiên và môi trường. Sự thay đổi thái độ này có thể đạt được bằng cách nâng cao nhận thức khi họ còn trẻ trong các cơ sở giáo dục. 

GS.TS Nguyễn Văn Minh nêu: Giáo dục đại học có thể đóng vai trò tiên phong trong việc truyền đạt các giá trị về môi trường và giúp trang bị các dịch vụ và sản phẩm xanh. Khoa học và công nghệ đã tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại. Kể từ thời kỳ cách mạng công nghiệp, sự phát triển kinh tế đã gắn liền với việc sử dụng khoa học và công nghệ. Khoa học và công nghệ có nhiều lợi ích. Nhưng nó đã bị nhắm đến để làm hỏng và làm suy thoái môi trường. 

Trong bối cảnh hiện tại, khoa học và công nghệ có thể được sử dụng để hiểu các vấn đề môi trường tiềm ẩn về ô nhiễm hoặc suy giảm tầng ôzôn. Giải pháp duy nhất là giảm hoặc ngừng phát thải CFC và có thể thông qua đó bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai. Thông qua công nghệ, các vấn đề có thể được phát hiện nhưng các giải pháp phải được xem xét vượt ra ngoài khoa học và công nghệ.

Mặc dù giáo dục truyền thống chỉ quan tâm đến lợi nhuận, nhưng giáo dục Bền vững quan tâm nhiều hơn đến con người, hành tinh và lợi nhuận. Trong giáo dục thông thường, sinh viên tốt nghiệp không có nhu cầu trên thị trường việc làm, nhưng giáo dục Xanh tạo ra một nền tảng tốt hơn cho các công việc Xanh. Giáo dục Xanh bao gồm phương pháp tiếp cận đương đại và do đó, không giải quyết các công nghệ lỗi thời. Ngoài ra, môi trường được nâng cấp thay vì xuống cấp trong giáo dục bền vững.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, đối với người trưởng thành: Mặc dù đầu tư tăng, một trong những yếu tố hạn chế chính đối với quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh trong thập kỷ qua là thiếu kỹ năng và đào tạo. Liên minh châu Âu đã đưa ra các hệ thống và tài trợ vào tháng 12 năm 2019 để hỗ trợ tất cả các quốc gia EU trong nỗ lực phi cacbon hóa.

Đặc biệt, Thỏa thuận này thừa nhận rằng việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng chủ động là cần thiết để gặt hái những lợi ích từ quá trình chuyển đổi sinh thái, bao gồm nhu cầu giúp lực lượng lao động có được các kỹ năng họ cần để chuyển từ "các ngành đang suy thoái" sang "các ngành tăng trưởng". 

Các ngành công nghiệp xanh ngày càng đòi hỏi những người lao động có kỹ năng cao, phù hợp với xu hướng trên thị trường lao động. Sự thay đổi trong nhu cầu về kỹ năng này hướng tới các trình độ kỹ thuật và nghề nghiệp cao hơn đang dẫn đến nhu cầu nâng cao kỹ năng và đạt được các trình độ cao hơn ngày càng tăng.

Sự thiếu sẵn sàng tương tự cũng áp dụng cho các kỹ năng, vì các hệ thống giáo dục nghề nghiệp và giáo dục dành cho người lớn vào thời điểm đó không thể đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng nhanh về việc làm xanh và chuẩn bị cho lực lượng lao động những kỹ năng phù hợp. Ví dụ, có rất ít chương trình học nghề kép được thiết kế để phục vụ cụ thể cho việc phát triển các kỹ năng liên quan đến năng lượng tái tạo.

Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh cho rằng: hiện tại, khi số lượng lớn lao động bị sa thải tìm cách tái gia nhập thị trường lao động, thì đây là cơ hội để người lao động học lại và nâng cao kỹ năng để làm việc xanh và đóng góp vào tăng trưởng xanh. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đòi hỏi sự thay đổi trong mọi lĩnh vực và nghề nghiệp, và ở đây VET và giáo dục người lớn phải đóng vai trò cơ bản. Các nhà hoạch định chính sách cần nhận ra tầm quan trọng của vai trò đó khi họ tìm cách chuyển hướng nguồn tài trợ vào phục hồi kinh tế. 

"Cho dù điều này có nghĩa là các kỹ năng mới cho các công việc mới, chẳng hạn như năng lượng tái tạo, hay nâng cao hoặc đào tạo lại các công việc hiện tại, chẳng hạn như chuyển sang canh tác hữu cơ và quản lý chất thải, thì giáo dục và kỹ năng của người lớn là nền tảng cho tương lai của các ngành công nghiệp, người lao động và nền kinh tế của chúng ta" - GS.TS Nguyễn Văn Minh nói.

GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Giáo dục, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên: Hoàn thiện môi trường giáo dục xanh - Từ cách tiếp cận của Khoa học giáo dục

Anh-tin-bai

GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Giáo dục, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên. Ảnh: CDKH

Theo GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Giáo dục, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên: Muốn có giáo dục xanh, phải gắn với giáo dục số để phát triển bền vững; trường đại học cần chắc chắn về thể chế, xanh và số gắn chặt với đổi mới sáng tạo; đầu ra là nhân cách chuyên gia cần những chỉ số năng lực mới; mục tiêu cao nhất là phục vụ cộng đồng, do vậy, coi trọng nêu gương, tạo động lực cống hiến, hướng về tương lai với sứ mệnh dẫn dắt. 

Trường đại học phải luôn suy nghĩ dẫn đầu, chủ động hấp thụ ý tưởng tiến bộ, sản sinh ra ý tưởng mới, và để bền vững thì phải tạo ra môi trường đổi mới sáng tạo, phục vụ cộng đồng, đất nước và nhân loại.

GS.TS Phạm Hồng Quang đề xuất một số giải pháp hiệu quả cho chiến lược giáo dục xanh, theo đó, cần đề xuất những giải pháp từ ý tưởng "không bình thường" như: hãy dùng xe đạp khi đi làm; hãy mặc hết số trang phục đang có đến khi nó hỏng; gọi món đãi khách 3 người cho 5 người ăn; không dùng mỹ phẩm và chất tẩy rửa…

Cùng với đó, khảo sát hành vi của sinh viên về mức chi, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, giải trí… đồng thời giáo dục sinh viên lối sống tối giản, học tập say mê, sáng tạo và làm việc cống hiến.

Sử dụng biện pháp mạnh như "tấn công não"(Brainstorming), gây tác động mạnh, ví dụ như đặt bình nước thải cạnh cốc nước sạch (rút gọn chu trình tạo nước sạch) để tăng cường nhận thức giá trị về nước sạch. Thực hành, trải nghiệm khi không phân loại rác, đổ rác trong sinh hoạt cá nhân để suy rộng ra vấn đề toàn cầu.

GS.TS Phạm Hồng Quang cũng nêu giải pháp chiến lược từ 17 mục tiêu phát triển bền vững, cần giáo dục hạn chế nhu cầu tiêu dùng (hoang phí, xa hoa, hình thức, nặng vật chất…) để giảm đầu vào, giảm đầu ra trong chu trình IPO trong lối sống của con người hiện đại. So sánh chi phí giữa đầu tư cho giải pháp kĩ thuật, công nghệ trong kĩ thuật xử lí môi trường với chi phí giáo dục giảm tiết nhu cầu tiêu dùng… để đánh giá hiệu quả. Ví dụ, tranh luận dùng ống hút nhựa hay ống hút tre… thì giải pháp tối ưu là "không dùng".

Về giải pháp vĩ mô từ chất lượng giáo dục, theo GS.TS Phạm Hồng Quang, môi trường xanh cần được tiếp cận rộng hơn không chỉ là hành vi trồng cây xanh trong trường học, không chỉ là hạn chế sử dụng nhựa, hạn chế năng lượng, giảm phát thải, lối sống tiết kiệm của giảng viên và sinh viên… mà điều quan trọng hơn là phải tạo ra một thế hệ được giáo dục, làm việc và có trách nhiệm dẫn dắt các thế hệ tiếp nối với môi trường xanh, số. 

"Có thể ví như hình ảnh trồng cây xanh trên sa mạc cần loài cây có bộ rễ sâu và dài, còn giáo dục xanh cần thay đổi thói quen, lối sống xanh của nhiều thế hệ. Điều này có thể sẽ gặp phản ứng xung đột giữa tăng trưởng kinh tế với giảm tiết nhu cầu, giữa kích hoạt mua sắm với hạn chế tiêu dùng…Tuy nhiên, cần giải pháp đồng bộ, cân bằng giữa nhu cầu cá nhân với lối sống xanh, là nền tảng để ngăn chặn lối sống tham lam, sống gấp, bất chấp các quan hệ đạo đức, luân lý, giá trị nhân văn truyền thống, để chống lại ý thức phi nhân tính, phản nhân văn đối với truyền thống đạo lý của dân tộc" - GS.TS Phạm Hồng Quang nói.

Cũng theo GS.TS Phạm Hồng Quang, các xu hướng cần tiếp tục nghiên cứu từ trường đại học như: Bổ sung chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo về tiêu chí xanh trong năng lực, phẩm chất người tốt nghiệp (lối sống, hành vi, thái độ, ý thức trách nhiệm về giáo dục xanh); bổ sung tiêu chuẩn xanh trong kiểm định chất lượng nhà trường; 

Chương trình hành động của nhà trường về giáo dục xanh, nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách của nhà trường cho địa phương trong phục vụ cộng đồng;

Phân tích định lượng về giá trị năng lực số của người học để đánh giá hiệu suất tiết kiệm trong hoạt động giáo dục. Ví dụ cần nghiên cứu hiệu suất trong dạy học (đo bằng thời gian, nguồn lực), trong nghiên cứu khoa học đo hiệu quả của đầu tư số (1 lần, đúng ngay từ đầu, ít rủi ro và không phải làm lại nhiều lần), tiết kiệm hiệu quả từ đầu tư cho môi trường xanh, mở rộng không gian vật chất mới, linh hoạt và tạo ra giá trị xanh;

GS.TS Phạm Hồng Quang cũng đề xuất: "Mô hình 'kinh tế vừa đủ' trong chuỗi giá trị xanh. Trong quá trình tư vấn chính sách từ trường đại học, cần nghiên cứu mô hình này để đặt trong chuỗi sinh thái phát triển vùng. Mục tiêu đặt giá trị xanh cao hơn giá trị GDP ở nơi có khả năng bán tín chỉ cac-bon khi đặt trong hệ thống tăng trưởng chung. Do vậy, cần nghiên cứu sâu mô hình này ở các vùng miền của nước ta trong tiếp cận liên ngành, hệ sinh thái".

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Minh Châu đề xuất một số kỹ năng và phẩm chất cần thiết của mô hình "Công dân học tập" có tư duy và kỹ năng làm xanh hóa lối sống (Công dân học tập xanh)

Anh-tin-bai

Bà Nguyễn Minh Châu - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CDKH

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Minh Châu cho rằng: Để xây dựng được mô hình "Công dân xanh", "Công dân học tập xanh" cho người dân, Hội khuyến học các cấp có thể phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tuyên truyền cho người dân, học sinh, sinh viên về sự cần thiết phải có tư duy xanh, lối sống xanh, kỹ năng xanh, phát triển xanh, tăng trưởng xanh; xây dựng mô hình "công dân xanh", "công dân học tập xanh".

Hai là, lồng ghép khuyến học với hoạt động giáo dục "sống xanh" trong cộng đồng: xây dựng các "Câu lạc bộ học tập xanh" tại thôn, bản, tổ dân phố, nơi người dân được học tập các kỹ năng sống bền vững như tiết kiệm năng lượng, phân loại rác, tái chế đồ dùng, bảo vệ nguồn nước.

Ba là, tổ chức chuyên đề khuyến học gắn với phát triển kỹ năng công dân xanh cho học sinh: phối hợp giữa Hội Khuyến học, nhà trường và Đoàn-Đội tổ chức chuyên đề học tập định kỳ: "Học xanh - sống bền vững", "Một tuần không rác nhựa"; "Mô hình tự quản xanh tại địa phương".

Bốn là, xây dựng và nhân rộng mô hình "Gia đình học tập xanh": lồng ghép tiêu chí sống xanh (giảm tiêu dùng, trồng cây, tiết kiệm điện…) vào tiêu chí đánh giá danh hiệu "Gia đình học tập" hằng năm.

Năm là, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ khuyến học về giáo dục môi trường- phát triển bền vững: mở các lớp tập huấn chuyên đề "Khuyến học trong bối cảnh phát triển xanh", cung cấp tài liệu, kỹ năng tổ chức hoạt động học tập gắn với môi trường.

Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động khuyến học: xây dựng các kênh học tập trực tuyến miễn phí (Zalo, Facebook, YouTube...), sử dụng phần mềm, nền tảng số để tổ chức các lớp học cộng đồng, chia sẻ tài liệu học tập, kết nối người học-người dạy để chia sẻ bài giảng kỹ năng sống, mẹo tiết kiệm chi tiêu, trồng cây sạch, chăm sóc sức khỏe,…

Theo bà Nguyễn Minh Châu, để xây dựng được mô hình "Công dân xanh", "Công dân học tập xanh" cho người dân, Hội khuyến học các cấp có thể phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tuyên truyền cho người dân, học sinh, sinh viên về sự cần thiết phải có tư duy xanh, lối sống xanh, kỹ năng xanh, phát triển xanh, tăng trưởng xanh; xây dựng mô hình "công dân xanh", "công dân học tập xanh".

Hai là, lồng ghép khuyến học với hoạt động giáo dục "sống xanh" trong cộng đồng: xây dựng các "Câu lạc bộ học tập xanh" tại thôn, bản, tổ dân phố, nơi người dân được học tập các kỹ năng sống bền vững như tiết kiệm năng lượng, phân loại rác, tái chế đồ dùng, bảo vệ nguồn nước.

Ba là, tổ chức chuyên đề khuyến học gắn với phát triển kỹ năng công dân xanh cho học sinh: phối hợp giữa Hội Khuyến học, nhà trường và Đoàn-Đội tổ chức chuyên đề học tập định kỳ: "Học xanh-sống bền vững", "Một tuần không rác nhựa"; "Mô hình tự quản xanh tại địa phương".

Bốn là, xây dựng và nhân rộng mô hình "Gia đình học tập xanh": lồng ghép tiêu chí sống xanh (giảm tiêu dùng, trồng cây, tiết kiệm điện…) vào tiêu chí đánh giá danh hiệu "Gia đình học tập" hằng năm.

Năm là, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ khuyến học về giáo dục môi trường - phát triển bền vững: mở các lớp tập huấn chuyên đề "Khuyến học trong bối cảnh phát triển xanh", cung cấp tài liệu, kỹ năng tổ chức hoạt động học tập gắn với môi trường.

Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động khuyến học: xây dựng các kênh học tập trực tuyến miễn phí sử dụng phần mềm, nền tảng số để tổ chức các lớp học cộng đồng, chia sẻ tài liệu học tập, kết nối người học - người dạy để chia sẻ bài giảng kỹ năng sống, mẹo tiết kiệm chi tiêu, trồng cây sạch, chăm sóc sức khỏe…

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền (Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội): Xây dựng trường học xanh - Giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình khuyến học xanh - Hướng đi bền vững cho sự phát triển giáo dục

Anh-tin-bai

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền (Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm – Hà Nội) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CDKH

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền cho rằng, việc xây dựng trường học xanh không chỉ cải thiện môi trường học tập mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, giáo viên và phụ huynh. Một không gian xanh, trong lành sẽ khơi dậy cảm hứng học tập, giúp học sinh phát triển toàn diện cả về trí tuệ lẫn nhân cách. Xây dựng trường học xanh là một hành trình cần sự chung tay của cả cộng đồng giáo dục.

Để chương trình "Khuyến học xanh" thực sự hiệu quả, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm và có những hành động thiết thực trong bảo vệ môi trường. Những việc làm nhỏ nhưng bền bỉ có thể tạo nên một không gian học tập trong lành, góp phần giáo dục thế hệ trẻ biết yêu thiên nhiên và chung tay bảo vệ hành tinh xanh.

Theo Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền, mỗi cá nhân, đặc biệt là giáo viên, học sinh và phụ huynh, có thể tham gia bằng nhiều cách:

Đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục: Lồng ghép giáo dục môi trường vào bài giảng, giúp học sinh hiểu về bảo vệ môi trường qua các môn học; Tổ chức các hoạt động ngoại khóa như trồng cây, phân loại rác, tái chế, hưởng ứng Ngày Trái Đất; Khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên sử dụng tài liệu điện tử để giảm in ấn và tiêu thụ giấy.

Đối với học sinh: Giữ gìn vệ sinh lớp học, trường học, không vứt rác bừa bãi; Sử dụng bình nước cá nhân; Tham gia các cuộc thi vẽ tranh, sáng tác thơ, bài hát về bảo vệ môi trường; Tái chế sách vở, đồ dùng học tập để hạn chế lãng phí.

Đối với phụ huynh: Ủng hộ phong trào trường học xanh bằng cách đồng hành cùng con tham gia các hoạt động môi trường; Quyên góp sách vở, đồ dùng học tập cũ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn thay vì bỏ đi; Hướng dẫn con em bảo vệ môi trường ngay từ nhỏ bằng cách tiết kiệm nước, điện, giảm rác thải; Hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa một lần trong sinh hoạt gia đình.

Đối với cộng đồng và doanh nghiệp: Hỗ trợ tài trợ các chương trình giáo dục môi trường, thư viện xanh cho trường học; Tạo sân chơi sáng tạo cho học sinh về bảo vệ môi trường, như các cuộc thi tái chế, sáng kiến, ý tưởng xanh; Kết nối với các trường học để tổ chức hoạt động thực tế như tham quan khu bảo tồn thiên nhiên, trại xanh.

"Bằng cách tham gia chương trình "Khuyến học xanh", mỗi cá nhân đều góp phần xây dựng một nền giáo dục bền vững, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tạo ra một thế hệ tương lai có trách nhiệm với thiên nhiên. Việc phân biệt rõ ràng giữa "Giáo dục xanh" và "Khuyến học xanh" sẽ giúp tránh nhầm lẫn và đảm bảo rằng các chương trình, hoạt động được triển khai một cách hiệu quả, đáp ứng đúng mục tiêu đề ra" - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền nhận định.

TS. Nguyễn Đình Mạnh - Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam: Khuyến học xanh bắt đầu từ chính chúng ta

Anh-tin-bai

TS. Nguyễn Đình Mạnh - Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: CDKH

TS. Nguyễn Đình Mạnh - Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, trên cơ sở lý luận và thực tiễn triển khai phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tâp trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội phát triển gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của đất nước thì khuyến học xanh được hiểu là một phong trào thúc đẩy việc học tập suốt đời đi đôi với ý thức và hành động vì môi trường bền vững.

Theo TS. Nguyễn Đình Mạnh - Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, trong thời gian tới đây, để xanh hóa hoạt động khuyến học theo tinh thần Quyết định 1658 – QĐ/TTg, cần triển khai một số nội dung sau: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khuyến học xanh thông qua hoạt động khuyến học. Theo đó, khuyến học xanh không chỉ là việc đơn thuần là lồng ghép những vấn đề về biến đổi khỉ hậu, ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… vào các chuyên đề sinh hoạt, học tập mà quan trọng là việc thay đổi nhận thức về cách học tập, thực hành trên hệ thống công nghệ học tập, thực hành mới trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Tổ chức các chương trình, hội thảo, tọa đàm… tại các Trung tâm học tập cộng đồng, các nhà văn hóa, câu lạc bộ… về giáo dục bền vững, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh cho các tầng lớp nhân dân; chia xẻ những kiến thức về tăng trưởng xanh, các mô hình sản xuất xanh, khởi nghiệp xanh … từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng các mô hình sống, mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh hóa.

Lồng ghép giáo dục xanh vào chương trình học tập suốt đời: Khuyến học xanh phát triển và mở rộng các kiến thức, kỹ năng, thái độ, các giá trị và quan điểm để đào tạo thế hệ mới có những năng lực phát triển các mô hình phát triển bền vững. 

"Ngày 02/3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết "Học tập suốt đời" nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, học tập suốt đời đã trở thành quy luật sống, đổ mọi công dân tự hoàn thiện mình và sống có ích cho xã hội. Tổng bí thư viết… Đây là chìa khoá quan trọng để nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, là con đường duy nhất, hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để đảm bảo sự phát triển thịnh vượng, bền vững" - TS. Nguyễn Đình Mạnh nói.

Khuyến học xanh hướng các nội dung học tập suốt đời vào việc bảo vệ môi trường sinh thái, giúp cho mỗi cá nhân có trách nhiệm hơn với cộng đồng và tương lai trong việc bảo vệ môi trường số. Vì thế, cần phát triển, lồng ghép các chương trình học tập về bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn trong các hoạt động khuyến học tại địa phương. Mở ra phong trào "Xanh hóa các hoạt động khuyến học" trong các cấp Hội, khuyến khích các hoạt động học tập trải nghiệm về bảo vệ thiên nhiên.

Lồng ghép chuyển đổi xanh với chuyển đổi số. Ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động khuyến học: Tại lễ phát động phong trào "Bình dân học vụ số" ngày 26/3/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Nếu chúng ta nhận thức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn cách mạng hiện nay thì không thể không nói đến xã hội số, quốc gia số và công dân số toàn diện, toàn trình"…

Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia và chuyển đổi số thành khâu đột phá mới của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên phát triển thịnh vượng của dân tộc.

Theo TS. Nguyễn Đình Mạnh, lồng ghép chuyển đổi xanh với chuyển đổi số quốc gia là hướng đi tất yếu, có tác động tương hỗ nhau cùng một mục đích vì quốc gia phát triển phồn thịnh. Nếu không dựa trên nền tảng công nghệ số thì chuyển đổi xanh sẽ không triệt để, không toàn diện và nếu không định hướng theo công nghệ xanh thì cũng sẽ bỏ qua nhiều lĩnh vực phải xanh hóa, không thể thực hiện thành công chuyển đổi xanh quốc gia.

Trước mắt, triệt để sử dụng những lợi thế của Công nghệ thông tin để tạo ra phương pháp giảng dạy và học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng theo hướng trực tuyến. Xây dựng các chuyên đề ứng dụng kỹ thuật số để giúp hội viên tiếp cận với những kiến thức về xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống, tiêu dùng xanh… xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị theo tinh thần chuyển đổi xanh quốc gia.

Phát triển các nền tảng học tập trực tuyến để mở rộng cơ hội học tập cho cộng đồng.

TS. Nguyễn Đình Mạnh cũng nhấn mạnh đến việc giới thiệu để các hội viên hiểu biết về trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, dữ liệu lớn (Big data) … dần từng bước tiến tới sử dụng hiệu quả các ứng dụng này trong cuộc sống. Trước mắt, triển khai và thực hiện tốt phong trào "Bình dân học vụ số" do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 26/3/2025 với những nội dung cụ thể gắn với Hội cấp cơ sở và từng hội viên như: "Xóa mù công nghệ" cho hội viên; Đẩy mạnh việc đăng ký, nhập dữ liệu, đánh giá, công nhận danh hiệu Công dân học tập trên phần mềm của Hội Khuyến học Việt Nam; Hạn chế tối đa việc sử dụng văn bản giấy; Tăng cường các trao đổi, tương tác trên môi trường mạng; Dần từng bước số hóa hoạt động Khuyến học…

Xây dựng 5 mô hình học tập gắn với tăng trưởng xanh của đất nước: Giai đoạn 2025-2030 là giai đoạn cao điểm thực hiện Quyết định 1315 – QĐ/TTg ngày 9/11/2023 của Thủ tướng chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai phong trào "cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 – 2030", đồng thời cũng là giai đoạn thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nên việc bổ sung 1 số yêu cầu để xanh hóa năng lực công dân giai đoạn 2025 – 2030 là rất cần thiết.

Việc xây dựng và phát triển các mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập" phải gắn chặt với mô hình "Công dân học tập" theo hướng "xanh hóa" về tư duy, lối sống, kỹ năng…với các phẩm chất đáp ứng yêu cầu của chiến lược tăng trưởng xanh theo Quyết định 1658 của Thủ tướng Chính phủ. Bổ sung một số phẩm chất xanh, kỹ năng xanh, lối sống xanh… một cách hợp lý vào 10 chỉ số đo những kỹ năng cơ bản và 03 năng lực cốt lõi về những phẩm chất mong muốn trong đánh giá, công nhận công dân học tập theo Quyết định 677/QĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chinh phủ.

Ngoài ra, cần xanh hóa các thiết chế giáo dục không chính quy, phi chính quy như: Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa, câu lạc bộ, điểm văn hóa – bưu điện xã... để tạo môi trường giáo dục xanh để các công dân học tập được học tập, định hướng nghề nghiệp trong môi trường sinh thái xanh và tăng trưởng xanh theo Quyết định 1658/QĐ-TTg.

TS. Nguyễn Đình Mạnh cho rằng, khuyến học xanh không chỉ dừng lại ở việc tư duy, nắm bắt các kiến thức mà quan trọng hơn là học cách sống có trách nhiệm với bản thân và thiên nhiên. Chuyển đổi xanh phải bắt đầu từ ta là trước hết: Xây dựng cơ quan theo mô hình đơn vị học tập XANH và mỗi cá nhân phấn đấu để trở thành công dân học tập XANH. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhưng ý nghĩa ở nơi làm việc của mình.

Theo đó, TS. Nguyễn Đình Mạnh đề xuất một số việc làm cụ thể để góp phần xanh hóa khuyến học tại cơ quan, đơn vị như: Tăng cường cây xanh nơi làm việc: Mỗi người hãy trồng một cây xanh ở trong và ngoài nơi làm việc; Ưu tiên sử dụng các loại cây xanh, cây cảnh có thể lọc không khí như: Cây lô hội, lưỡi hổ, kim ngân, vạn niên thanh, cỏ lan chi…; Tận dụng các không gian như ban công, lối đi, giàn treo … để đặt các chậu cây xanh; Các chậu cây có thể đổi qua các phòng để tạo sự tươi mới, tránh nhàm chán.

Tiết kiệm năng lượng: Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng và ra khỏi phòng làm việc; Sử dụng đèn LED tiết kiệm điện; Tận dụng ánh sáng tự nhiên; Ưu tiên các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; Có thể dùng chung máy in vi tính và các thiết bị làm mát.

Tiết kiệm nước: Tuyên truyền sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm; Sử dụng vòi nước tiết kiệm; Kiểm tra thường xuyên vòi nước chống rò rỉ, thất thoát.

Hạn chế rác thải (giảm thiểu nhựa dùng 1 lần), phân loại rác: Hạn chế dần tiến tới không sử dụng chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa… dùng 1 lần trong các cuộc họp; Mỗi cá nhân mang theo bình nước cá nhân; Phân loại và tái chế rác thải tại nơi làm việc.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Đình Mạnh cũng đề xuất số hóa, giảm sử dụng giấy trong hoạt động công vụ: Ưu tiên sử dụng xử lý văn bản qua hệ thống điện tử (E office); Giảm in ấn tài liệu, tùy từng tài liệu có thể in hai mặt hoặc in sử dụng lại một mặt của giấy đã dùng rồi; Lưu trữ và chia sẻ tài liệu dùng chung qua mạng nội bộ hoặc kết nối internet.

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường nơi công sở: Hiện nay, môi trường bị nhiễm bẩn bởi các yếu tố vật lý, hóa học, sinh học do tác động bởi con người lẫn tự nhiên khiến môi trường mất đi tính tự nhiên, nguyên sơ ban đầu. 

Giới khoa học về môi trường tổng hợp có 07 loại ô nhiễm môi trường chính: ô nhiễm đất, ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm tầm nhìn, ô nhiễm nhiệt, ô nhiễm ánh sáng.

TS. Nguyễn Đình Mạnh nêu, trong môi trường làm việc hiện nay, ngoài những biện pháp nêu trên, cần sử dụng thêm các biện pháp sau: Sử dụng các thiết bị, đồ dùng tự nhiên, có khả năng hút tiếng ồn; Đóng kín cửa để hạn chế tiếng ồn từ bên ngoài; Hạn chế phát thải tiếng ồn nơi công sở.

Nhấn mạnh khuyến học xanh là một hoạt động kết hợp giữa giáo dục, khuyến học và môi trường, là phong trào thúc đẩy sự học suốt đời gắn với việc hình thành lối sống xanh, có trách nhiệm, thân thiện với môi trường và sự phát triển bền vững của đất nước  - TS. Nguyễn Đình Mạnh nhấn mạnh, Hội Khuyến học Việt Nam là hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, có nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập trên phạm vi cả nước. Hội giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy học tập suốt đời, giáo dục bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh. 

"Thông qua việc xây dựng 5 mô hình học tập gắn với khuyến học xanh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Hội đã và đang đóng góp trực tiếp vào quá trình chuyển đổi xanh của đất nước, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2050. Khuyến học xanh vì sự chuyển đổi xanh của đất nước bắt đầu từ xanh hóa tư duy và hành động của mỗi chúng ta" - TS. Nguyễn Đình Mạnh nói.

Bà Phan Thị Mùi - đại diện UNESCO sẵn sàng hợp tác cùng các cơ quan thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững

Anh-tin-bai

Bà Phan Thị Mùi - đại diện UNESCO phát biểu. Ảnh: CDKH

Bà Phan Thị Mùi (đại diện UNESCO) cho biết: UNESCO có nhiều mạng lưới liên kết giữa các quốc gia, tổ chức để xây dựng nền giáo dục xanh. Hầu hết các nước trên thế giới xây dựng chương trình giáo dục liên quan đến chủ đề phát triển bền vững. 

Tuy nhiên nhiều giáo viên cảm thấy thiếu tự tin, chưa thực sự nắm chắc những kỹ năng liên quan đến giáo dục về 17 mục tiêu phát triển bền vững. Điều đó là một rào cản khiến giáo dục xanh chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Tạ hội thảo, đại diện UNESCO nhấn mạnh: UNESCO sẵn sàng hợp tác với các Bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Khuyến học Việt Nam hành động vì một xã hội xanh, giáo dục xanh, cùng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp quốc đặt ra.

Ông Phạm Đức Trung Kiên - Chủ tịch Khan Academy: Giáo dục xanh cần đến nguồn học liệu mở

Anh-tin-bai

Ông Phạm Đức Trung Kiên - Chủ tịch Khan Academy. Ảnh: CDKH

Tại hội thảo, ông Phạm Đức Trung Kiên - Chủ tịch Khan Academy nhấn mạnh: Giáo dục xanh, khuyến học xanh là yêu cầu cấp thiết của xã hội. 

Bên cạnh những đề xuất đã được nêu ra trong các tham luận, ông Phạm Đức Trung Kiên nhấn mạnh giáo dục xanh cần đến nguồn học liệu mở như các tài liệu ebook, hệ thống sách phải được đăng tải trên mạng lưới internet.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng: Giải pháp triển khai hoạt động Hội Khuyến học, khuyến học xanh vì sự phát triển bền vững

Anh-tin-bai

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng. Ảnh: CDKH

Tổng kết phần tham luận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: Phát triển xanh và bền vững vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng trong xu thế phát triển chung với mọi quốc gia trên thế giới hiện nay. Việt Nam cũng nằm trong dòng chảy của thế giới trong thời kỳ mở cửa, hội nhập và toàn cầu hóa, để phát triển nhanh và bền vững.

Theo đó, Hội Khuyến học Việt Nam với chức năng, nhiệm vụ của mình, với giá trị cốt lõi khuyến khích hỗ trợ, động viên cá nhân, cộng đồng liên kết các lực lượng xã hội đẩy mạnh phong trào tự học, học tập suốt đời trên mọi địa bàn, huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hội thảo "Khuyến học xanh" tập trung thảo luận nội dung, giải pháp triển khai hoạt động khuyến học, khuyến học xanh vì sự phát triển xanh bền vững:

Một là: Khuyến học xanh, chuyển đổi xanh công tác khuyến học cần hoàn thiện xây dựng khái niệm, nội dung và thành một đề án triển khai cụ thể gồm phạm vi, nội dung và giải pháp toàn diện và cụ thể để triển khai thực hiện khoa học, bài bản sát thực tế. 

Mục tiêu khuyến học xanh là xây dựng con người có tư duy đổi mới, kỹ năng lao động thành thục, làm việc có hiệu quả, có lối sống trong sáng, trung thực, tôn trọng pháp luật, quy ước cộng đồng, bảo vệ môi trường tự nhiên và tích cực tham gia đóng góp cho cộng đồng xã hội. Nói gọn lại là tư duy xanh, lối sống xanh, hành động xanh.

Hai là: Tập trung đổi mới, đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, xây dựng nội dung tuyên truyền về giáo dục xanh, khuyến học xanh cụ thể phù hợp từng đối tượng.

Xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, trực tiếp trao đổi tại cơ sở, các tổ chức, đoàn thể cộng đồng dân cư.

Phối hợp tăng cường tuyên truyền trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội, truyền thông đa phương tiện, góp phần đổi mới tư duy nâng cao nhận thức phát triển xanh, khuyến học xanh cho hội viên và nhân dân trong giai đoạn mới.

Ba là: Hội Khuyến học các cấp nhận thức đầy đủ hơn, xây dựng đô thị văn minh, thông minh, nông thôn mới, cơ quan phát triển xanh, doanh nghiệp xanh, trong đó vai trò con người là yếu tố quyết định.

Xây dựng tổ chức hình thành đội ngũ cán bộ hội khuyến học nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, có kỹ năng, phương pháp hiểu sâu sắc, phát triển xanh, giáo dục xanh, khuyến học xanh, có khả năng tổ chức hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, với tiêu chí mới cần bổ sung và hoàn thiện về khuyến học xanh.

Bốn là: Phối hợp ngành tuyên giáo, dân vận, giáo dục và đào tạo. Tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền có chủ trương, chính sách cụ thể, quyết định về kế hoạch khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, có chương trình, quyết định về đề án khuyến học xanh của các tỉnh, thành phố và từng địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Năm là: Hội Khuyến học các cấp chủ động làm nòng cốt phối hợp, với các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, xây dựng, nâng cao chất lượng mô hình học tập. Triển khai phong trào thi đua cả nước chung tay xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Mỗi công dân phấn đấu trở thành công dân học tập.

Sáu là: Phối hợp ngành giáo dục đào tạo và các cấp đoàn thể có tư duy mới nội dung mới thực hiện chuyển đổi số dữ liệu học tập mở tại các trung tâm học tập cộng đồng thật sự là địa chỉ để người dân tự học, hỗ trợ người dân học tập, để ai cũng có điều kiện học tập, tiếp cận tri thức, đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Bảy là: Ngăn ngừa tác dụng phụ mặt trái của xã hội số, internet đen, ứng xử văn hóa trong không gian mạng.

Với tư duy đổi mới, cách tiếp cận khoa học sát thực tiễn, cách làm sáng tạo, chắc chắn rằng hội khuyến học các cấp sẽ có đóng góp trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo, sự nghiệp khuyến học, với mục tiêu phát triển của đất nước, giàu mạnh, xanh đẹp, phát triển nhanh, bền vững.

GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Hội thảo "khuyến học xanh" với nhiều tham luận chất lượng, đề ra nhiều giải pháp thiết thực thúc đẩy khuyến học bền vững

Phát biểu kết luận buổi hội thảo, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định: "Hội thảo ngày hôm nay là hội thảo đầu tiên cấp Trung ương đề cập đến chủ đề "khuyến học xanh" với nhiều tham luận chất lượng, đề ra nhiều giải pháp thiết thực thúc đẩy khuyến học bền vững".

Hội thảo Khuyến học xanh – nhằm thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức đã kết thúc đã thành công tốt đẹp vào 11 giờ 15 phút ngày 25/4/2025.

Anh-tin-bai

Hội thảo Khuyến học xanh – nhằm thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức đã kết thúc đã thành công tốt đẹp. Ảnh: CDKH

Nguồn tin: congdankhuyenhoc.vn
THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1