image banner
TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC TRÊN MẢNH ĐẤT DƯƠNG XUÂN
Rằm tháng 10 ở quê tôi thật đặc biệt. Không tưng bừng như rằm tháng Giêng hay rầm rộ như rằm tháng Bảy nhưng lại rất ấm cúng, ý nghĩa. Đó là ngày sum họp của gia đình, họ tộc trong phạm vi hẹp bên mâm cỗ cúng tổ tiên, ông bà. Đúng như dân gian từng nói: “Cúng người chết, đoàn kết người sống”. Rằm tháng 10 này, tôi theo mẹ lên thắp hương cho cố ngoại và ăn cỗ rằm ở nhà ông Cao Xuân Tô thuộc xóm 6, xã Lĩnh Sơn. 

Khi thắp hương xong trên bàn thờ tổ tiên, con cháu quây quần bên mâm cỗ, ông dặn dò: “Các cháu ạ, giấy rách cũng phải giữ lấy lề. Không phải vô cớ mà người xưa đã tổng kết: Phi thương bất phú (không buôn bán thì không giàu)/ Phi trí bất hưng (Không có trí tuệ thì không hưng thịnh - không phát triển bền vững)/Phi công bất tài (không nghề nghiệp thì không có tài - không có cơ hội thể hiện được tài năng). Tất cả đều khẳng định sự học rất quan trọng. Người Dương Xuân chúng ta có tinh thần hiếu học từ lâu đời. Các cháu nhớ chăm lo học hành, yêu mến sự học nhé!”. Nghe ông nói thế, tôi thấy sống mũi mình cay cay. Nhìn lên bàn thờ tỏa khói hương nghi ngút, tôi cảm nhận như lời của ông nói giống như là lời truyền dạy, dặn dò tâm huyết của các bậc tiền bối từ bao đời, là lời của khí thiêng dòng dõi, họ tộc tới con cháu đời sau.

Anh-tin-bai

Học sinh trên mảnh đất Dương Xuân đến học tập tại Hiệu Yên Xuân

Dương Xuân là một vùng làng quê bình dị như bao làng Việt khác nhưng khi nhắc đến, người xa, kẻ gần đều yêu mến và khâm phục bởi tinh thần hiếu học và truyền thống cách mạng của các thế hệ. Đây vốn là tên gọi cũ của xã Lĩnh Sơn bây giờ- xã cuối cùng của huyện Anh Sơn, giáp với huyện Đô Lương. Hơn 400 năm về trước, Lĩnh Sơn là vùng đất hoang vu, người dân ở các vùng đồng bằng, ven biển các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên di cư lên quy tụ theo dòng họ, hình thành làng xã, đặt tên là xã Nam Cai - đất Gay. Ruộng đồng ít, đồi nhiều nên bà con tập trung chủ yếu phát triển cây chè vườn đồi. Nhờ phát huy đoàn kết cộng đồng, góp công, góp sức, nhân dân Lĩnh Sơn đã xây dựng được một số đình làng rộng lớn như đình Đa Thọ, Dương Xuân, Phú Lĩnh, Vĩnh Yên và một số ngôi đền như Ruộng Tớm, đền Tĩnh... Toàn xã có hơn 60 dòng họ lớn nhỏ đang cùng nhau đoàn kết sinh sống, đông nhất là dòng họ Cao và dòng họ Nguyễn. Cả hai dòng họ này, trước đây cũng rất nổi tiếng về khoa bảng. Ngày trước, ở vùng Dương Xuân thường lưu truyền câu cửa miệng:

Ai ơi chớ lấy về Gay

Cơm đèn hai bữa cơm ngày thì không

Chính vì sự nghèo khó ấy, những người dân nơi đây đã hun đúc cho mình tinh thần kiên cường, chịu khó, hiếu học để vươn lên không ngừng. Trong những năm tháng rên xiết dưới gông cùm nô lệ của chế độ thực dân – phong kiến, ngay từ năm 1922, ở Dương Xuân đã có một số người sớm giác ngộ, có tư tưởng đấu tranh chống lại bọn cường hào và quyết định cùng nhau thành lập nhóm “Tâm giao”. Đó là tập hợp gồm những thanh niên trai trẻ, có học thức, giàu lòng yêu nước như: Hoàng Khắc Bạt, Phan Thái Ất, Cao Xuân Ủy, Phan Hoàng Thiềm... Nói về sự học, thì chưa xa trong ngược dòng lịch sử, phong trào “Bình dân học vụ” dạy chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ ở đây từng được khơi dậy mạnh mẽ và đã được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thời kỳ hiện đại cũng không ít nhân tài. Dù bị chiến tranh, thời gian và những biến động xã hội tàn phá, Dương Xuân vẫn là một miền quê văn hiến, giàu truyền thống hiếu học. Trong lịch sử phát triển giáo dục của đất Dương Xuân, xuất hiện nhiều gia đình, dòng họ khoa bảng, gia đình có con cái thành đạt, gia đình nổi tiếng về lòng hiếu học, làm rạng rỡ cho xóm làng, cho cộng đồng dân cư, cho dòng họ của mình bởi sự thành đạt, tiêu biểu có dòng họ: Phan Thái, họ Cao Xuân, Nguyễn Trọng, Phạm Viết, Nguyễn Văn,... Ở xóm 6, có ông Nguyễn Văn Lịch là tiến sĩ, ở xóm 5 có ông Trần Văn Phú là Giáo sư. Cả hai ông đều công tác và giữ những chức vụ quan trọng ở Hà Nội. Có những người giỏi thơ phú, nghệ thuật như: ông Đào Văn Trí, bà Nguyễn Thị Hòa, ông Phạm Viết Khoa, ông Nguyễn Gia Khanh,… Đó là những tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo, rèn luyện trở thành nhân tài xây dựng quê hương, đất nước. Ông Trần Văn Đương, một lão làng ở xóm 5 xã Lĩnh Sơn đã run run khi nhắc đến tên tuổi của các bậc nho sĩ, văn nhân đời trước ở tại mảnh đất này đầy tự hào, trân trọng: “Dương Xuân là mảnh đất hội tụ khí thiêng của sông núi, sản sinh ra nhiều bậc anh tài, đóng góp vào trang sử vàng của quê hương Xô viết anh hùng”. Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, noi gương các bậc tiên hiền, các thế hệ người Dương Xuân đã phấn đấu không ngừng, làm cho đất Lĩnh Sơn luôn giữ vị trí cao về phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo trong tỉnh, tạo nên gương mặt mới của giáo dục huyện nhà. Là một vùng nông thôn nhưng tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp hàng năm đạt trên 95%. Nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt trường đã có hai học sinh được tham dự vào đội tuyển chọn HSG Quốc gia năm 1998 và năm 2003. Số học sinh đậu vào các trường ĐH- CĐ ngày càng nhiều. Có nhiều học sinh thi đại học đạt từ 27 điểm trở lên. Tiêu biểu như em Nguyễn Trọng Khuyên, được tham dự vào đội tuyển chọn học sinh giỏi Quốc gia năm 2002, em Nguyễn Sỹ Sửu đạt điểm thi ĐH- CĐ tối đa 30/30 năm 2006. Trong năm học 2015 – 2016 trường có em Trần Mạnh Cường lớp 11A1 đạt giải Ba (HC Đồng) cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc 2016. Cường đã tâm sự: “ Khi nói đến đất Dương Xuân, em tự hào nhất là về truyền thống cách mạng- nơi ươm mầm những hạt giống đỏ gắn liền với hiệu Yên Xuân và truyền thống hiếu học của cha ông trong các dòng họ nổi tiếng. Đây chính là nguồn sức mạnh tinh thần vô cùng lớn để thế hệ trẻ như em luôn phấn đấu, rèn luyện trong học tập cũng như nghiên cứu khoa học để không hổ danh là người con của xứ Nghệ, của quê hương Dương Xuân yêu quý”. Hiện nay, tại đây cơ chế khuyến học, khuyến tài, xã hội hóa học tập và giáo dục đang được chú trọng, đề cao. Vì thế, ngọn lửa tinh thần hiếu học trên mảnh đất Dương Xuân anh hùng này lại ngày càng được giữ gìn và tỏa sáng.

 Rời khỏi căn nhà của cố ngoại, tôi bước đi trên con đường làng quen thuộc đã được đổ bê tông khang trang, sạch sẽ và ngắm nhìn những ngôi nhà thờ đang tỏa khói hương trong khí trời se lạnh đầu đông của buổi chiều rằm tháng 10. Tự dưng trong lòng tôi trào lên bao cảm xúc bâng khuâng, bao nỗi niềm khó tả. Thấy yêu, khâm phục và tự hào biết bao về truyền thống hiếu học của cha ông thuở trước. Thấy bản thân mình – một người giáo viên trẻ của xã nhà lại càng phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn trong việc trau dồi, rèn luyện bản thân cũng như trong sự nghiệp “trồng người” mà mình đang theo đuổi. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nguyên khí ấy phải được chưng cất, hun đúc, nuôi dưỡng từ truyền thống của một gia đình, dòng họ, địa phương và lớn hơn nữa là của một đất nước, dân tộc. /.

Lĩnh Sơn, Rằm tháng 10 năm Nhâm Dần (2022)

Hà Thị Vinh Tâm, Giáo viên Trường THPT Cửa Lò
THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1