Không phải là năm đầu tiên, đất học Nghệ An đón nhận những tin vui về thành tích khoa cử xuất sắc của các thế hệ học sinh, nhưng dường như năm nay được xem là mốc son “bội thu” khi liên tiếp danh hiệu thủ khoa đầu vào nhiều trường ĐH danh tiếng thuộc về các sĩ tử Nghệ An.
Không phải là năm đầu tiên, đất học Nghệ An đón nhận những tin vui về thành tích khoa cử xuất sắc của các thế hệ học sinh, nhưng dường như năm nay được xem là mốc son “bội thu” khi liên tiếp danh hiệu thủ khoa đầu vào nhiều trường ĐH danh tiếng thuộc về các sĩ tử Nghệ An.
Lê Thị Thùy Linh
Liên tiếp mấy ngày qua, tin vui dồn dập đến với khắp mọi miền quê Nghệ An. Cuộc điện thoại reo vui vội vã của Phan Thế Lê Sơn (1996), chàng thanh niên quê lúa Nam Thành (Yên Thành) báo tin em đã đạt danh hiệu thủ khoa đầu vào Trường ĐH Dược Hà Nội với điểm số 29,5 khiến những người quen biết, yêu mến em không giấu được niềm hạnh phúc. Từ Thành phố Vinh, chúng tôi tìm về xóm 9, xã Nam Thành, nơi có ngôi nhà ấm áp của cậu học trò mảnh khảnh và nhanh chóng lây cái niềm vui rộn ràng của miền quê giàu truyền thống hiếu học. Đón chúng tôi từ ngoài ngõ là những cô, bác hàng xóm của gia đình Sơn, ai cũng sẵn lòng chia sẻ thông tin về “thằng nhóc học giỏi” của xóm. Giống như những bạn đồng trang lứa, tuổi thơ Phan Thế Lê Sơn gắn liền với đồng lúa, lưng trâu và vô số những trò nghịch dại, nhưng dường như nổi bật hơn ở em, là đức hiếu học và ý chí quyết tâm làm bằng được điều mình đã định.
Chọn thi Trường ĐH Dược Hà Nội - trường nhiều năm liền luôn đứng trong top đầu điểm cao của cả nước, Phan Thế Lê Sơn cho rằng, với em, đó hoàn toàn không phải là sự liều lĩnh. Em yêu thích ngành học này từ nhỏ, và “nhắm” đích đến này rất lâu rồi. Không học trường chuyên, lớp chọn, 12 năm học, Sơn đều là học sinh của những ngôi trường bình dị trong xã, trong huyện. Ngoài giờ học và các hoạt động ở trường, thời gian biểu học tập của em luôn gắn liền với góc học tập nhỏ ở nhà. “Em không đi học thêm vì ở đây bạn mô cũng rứa, ở quê điều kiện học tập hạn chế hơn thành phố mà. Chỉ hơi đặc biệt hơn các bạn là em thích sưu tầm đề thi các năm để mày mò tập giải, có lẽ vì thế mà kinh nghiệm các dạng đề bài và cách làm ngắn gọn, đủ ý đã giúp em đạt điểm cao” - Phan Thế Lê Sơn chia sẻ khiêm nhường. Trong suốt quá trình học tập, cậu học trò lành, hiền ấy luôn giữ được phong độ ổn định nhờ phương pháp học chắc, học vững và phần nào cũng nhờ tính cách điềm đạm, chín chắn hơn tuổi của em. Trước kỳ thi ĐH - CĐ năm 2014, dù khá tự tin với lực học của mình, nhưng Sơn và gia đình cũng không thôi hồi hộp, lo âu. Chị Trần Thị Minh, mẹ của Sơn - một phụ nữ tảo tần và thương con, dù bận rộn công việc nhà nước, nhưng cũng gắng thu xếp để bên con, động viên, tâm sự, chăm sóc con từ những điều nhỏ nhặt nhất. Khuôn mặt rạng ngời trước thành tích đáng mừng của cậu con trai út, chị Minh tâm sự: “Sơn nhận được tin đỗ điểm cao 28,25 điểm từ người bạn cùng lớp, thêm điểm cộng khu vực và làm tròn nữa là 29,5 điểm. Con đỗ đạt thì bố mẹ mừng, đỗ điểm cao như ri thì biết nói răng cho hết vui! Nhưng vui rồi, vẫn phải khuyên con không được tự mãn, phải phấn đấu hơn nữa vì ngoài xã hội còn nhiều bạn giỏi hơn mình”.
Nếu như quê lúa Yên Thành rạng rỡ niềm tự hào với Phan Thế Lê Sơn, thủ khoa ĐH Dược Hà Nội thì cách đó không xa, xứ chè Ngọc Lâm (Thanh Thủy, Thanh Chương) đón nhận thông tin không thể vui hơn khi Nguyễn Đình Thành - cậu học trò vượt khó học giỏi đã trở thành thủ khoa khối B, hệ Quân sự, Học viện Quân y khu vực phía Bắc. Điểm số cao gần như tuyệt đối: Toán 9 điểm, Hóa 9,5 điểm và Sinh học 10 điểm, tổng số 28,5 điểm. Với Nguyễn Đình Thành, thành tích này là sự đơm hoa kết trái của nghị lực phi trường, vượt qua hoàn cảnh khó khăn để chạm tới ước mơ giảng đường. Không giống như cái tên mỹ miều định danh vùng đất, Ngọc Lâm còn là miền quê nghèo khó, mà gia đình Thành là một trong số rất nhiều gia đình vẫn ngày ngày phải lao động cật lực để mưu sinh. Bố em, ông Nguyễn Đình Hoan và mẹ Thành - bà Nguyễn Thị Toán không có nhiều điều kiện và thời gian để sát cánh bên em trong những giờ học tập. Hoàn cảnh thế, nhưng trong gian phòng khách cũ kỹ của gia đình, lúc nào cũng ngời lên ánh sáng của sự học nhờ những tấm giấy khen của cậu con trai Nguyễn Đình Thành.
Một ngày của Thành bắt đầu từ rất sớm để dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc lợn, gà cho gia đình và hái chè, làm cỏ chè hay bón phân đồi chè giúp bố mẹ. “Có chi mà nề hà, việc nhà là việc chung, nếu mình cứ ỷ lại là bận học thì thương bố mẹ gánh việc đến khuya chưa xong. Đạt được kết quả cao nhưng thật ra em nỏ có bí quyết chi cả, vì từ nhỏ em đã giữ thói quen học như rứa rồi”- Thành chia sẻ. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Nguyễn Đình Thành đạt danh hiệu thủ khoa đầu vào. Trong kỳ thi vào Trường THPT Đặng Thúc Hứa nhiều năm về trước, Thành cũng được vinh danh là thủ khoa của trường. Nhắc lại danh hiệu này, Thành nói vui: “Đậu điểm cao thì vui nhưng mà nghĩ lại cũng... khiếp! Vì từ nhà đến trường 15km, sáng đạp xe đi, có khi em ở lại qua trưa, chiều mới có sức đạp về nổi.” Thương bố mẹ vất vả, khi làm hồ sơ thi ĐH, em không ngần ngại “quyết” ngay hai trường: Học viện Quân y và Học viện Cảnh sát, vì em nghĩ nếu đậu, việc theo học ĐH sẽ không trở thành gánh nặng của gia đình.
Theo sát Nguyễn Đình Thành những năm học phổ thông, thầy Phạm Kim Chung - giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1, Trường THPT Đặng Thúc Hứa, cho biết: “Nguyễn Đình Thành là học sinh chăm ngoan, học giỏi nhiều năm liền. Với thầy cô, bạn bè, Thành còn là người sống chan hòa, thân thiện và đáng quý bởi em rất kiên cường vượt khó. Nhận được kết quả thủ khoa của Thành, không chỉ riêng tôi mà các giáo viên khác trong trường rất vui mừng. Em thực sự đã làm rạng danh mái trường Đặng Thúc Hứa nói riêng và đất học Nghệ An nói chung!”
Tâm sự đầy tự hào ấy của thầy giáo Phạm Kim Chung cũng chính là suy nghĩ của nhiều người dân xứ Nghệ lúc này. Tràn ngập các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội những ngày gần đây là thông tin về các thủ khoa ĐH xứ Nghệ. Phan Thế Lê Sơn, Nguyễn Đình Thành, Đặng Thị Thảo Trang (thủ khoa khối D1 ĐH Ngoại thương Hà Nội với tổng điểm 26,5), Phạm Đức Toàn (Thủ khoa ĐH Ngoại thương Hà Nội với tổng điểm làm tròn 29,5), Lê Thị Thùy Linh (thủ khoa khối D1 ĐH Kinh tế Quốc Dân với 27 điểm)... và có thể danh sách này vẫn sẽ còn tiếp diễn. Các em đến từ nhiều miền quê khác nhau, những hoàn cảnh khác nhau, nhưng tựu trung, tất cả đều ngời lên tinh thần hiếu học của xứ Nghệ giàu truyền thống...
Phương Chi Baonghean