image banner
Ai ơi! nhớ lấy mùa Tro quê nhà
Vang vọng đâu đây ca khúc “Đi học” của Bùi Đình Thảo “Cọ xòe ô che nắng, râm mát đường em đi...”; lắng đọng vần thơ “Rừng Cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt...” của nhà thơ Tố Hữu; thánh thót câu nói của người dân tộc Thái tại huyện vùng cao Quỳ Châu xứ Nghệ “Cốn mí hó, có mí đỏn” nghĩa là “Người phải có họ, Cọ phải có rừng”.

Vang vọng đâu đây ca khúc “Đi học” của Bùi Đình Thảo “Cọ xòe ô che nắng, râm mát đường em đi...”; lắng đọng vần thơ “Rừng Cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt...” của nhà thơ Tố Hữu; thánh thót câu nói của người dân tộc Thái tại huyện vùng cao Quỳ Châu xứ Nghệ “Cốn mí hó, có mí đỏn” nghĩa là “Người phải có họ, Cọ phải có rừng”.


Cây Cọ (cây Tro) đã đi vào trong thi ca, trong ngôn ngữ núi rừng để trở nên thân thuộc trong lòng những người dân vùng “phên dậu” của quê hương ta. Cây Tro có nhiều ở các vùng đồi núi như Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái.v.v và cả Thanh Chương quê tôi.


Những vườn Tro, rừng Tro vươn cao xanh ngút ngát tầm mắt đã trở thành một nét cảnh quan đặc trưng của vùng quê nơi đây. Cây Tro đã gắn bó với người dân, trở thành một biểu tượng của sự liên kết cộng đồng bền chặt. Bởi cây Tro có giá trị về nhiều mặt. Lá Tro dùng để lợp mái nhà, thay ô che nắng che mưa; “Cồi” - cuống – tay Tro dùng để chẻ nan dệt mành; làm hàng rào, hoặc làm gậy giữ vườn, giữ làng nước; thân cây Tro già có thể làm đồ thủ công mỹ nghệ; giống cây Tro cảnh dùng làm Bonsai. Quả tro chín dùng để ăn, có vị bùi, ngậy là món ăn quá dân dã chỉ “thường thôi” đối với người bản xứ, nhưng lại hấp dẫn với nhiều khách thị thành mỗi chuyến về thăm quê. Hạt Tro để con gái đánh ô, đánh chuyền, con trai đánh đáo. Thanh danh của Tro (Cọ) được các doanh nghiệp ghi nhận, yêu mến; vì vậy họ đã đặt tên cho công trình của mình một cách thơ mộng, thân thiện “Khu Rừng Cọ” thuộc dự án Ecopark, nằm phía đông thành phố Hà Nội.v.v.







1. Lá Tro hành quân theo mùa nhập học


Vào những năm thập kỷ 60, 70 thế kỷ 20, trường cấp 3 Thanh Chương 2 đóng tại Thanh Hà, Thanh Long (huyện Thanh Chương) thời ấy đất nước còn khó khăn nên việc xây dựng trường, lớp do phụ huynh học sinh tham gia đóng góp là chủ yếu. Một trong những vật liệu để làm lớp học là tranh, tre; tranh thì thường là tranh Tro. Quê tôi, ngoài tranh Tro còn nhiều loại tranh khác như tranh mía, tranh săng, tranh cỏ, tranh tooc (tranh rạ).v.v. Đánh tranh bằng lá Tro; hom dùng để đánh tranh có thể bằng tre, nứa, mai cần. Mùa khai trường mỗi học sinh quàng cặp sách, vai vác cây tre dài có buộc chục tranh Tro ở 2 đầu (cặp bằng vải, chứ đâu có bằng da như ngày nay, bạn nào có bố là sỹ quan quân đội, thì có thể được bố tặng cho cái “xắc cốt” nên oai thật là oai). Trong cuộc hành trình tranh Tro cùng sỹ tử đến trường, đường xa hàng chục cây số, đi bộ bằng chân đất; một vài bạn khá hơn thì đi dép lốp cao su; đứa nào có dày đi, vừa đi vừa nhìn xuống dày làm oai, thì đấy là có người nhà tham gia lực lượng vũ trang – thật vui và tự hào.


Đến hạn nạp tranh, tre; bạn nào cũng muốn nạp tre cho to cho dài, tranh phải đẹp để lán học của lớp mình bền, chắc. Có khi gặp phải ngày mưa, đường trơn, bùn lầy; tre thì dài và nặng, lại gặp phải cả mưa lẫn gió, những đứa chân trần như chúng tôi thì chân nọ xọ chân kia; chân nam đá chân chiêu; vặt vẹo cho đến trường, vã mồ hôi, vai thì thêm chai sạn, chân thì nứt như củ khoai từ, ứa màu; còn mười đầu ngón chân thì tím tái như củ khoai vạc chín, nhưng khi tới trường lớp rồi, được gặp thầy, gặp được bạn; niềm vui lại nối tiếp niềm vui, rạng rỡ trên đôi môi mặn chát.


Lại có lúc đang vác tre, tranh gặp phải máy bay Mỹ, thì những đứa “nhì ma” dạt ngay tranh tre vào hàng rào, hoặc bất cứ nơi nào có thể quăng được, thế rồi ung dung chờ máy bay bay qua là lại tiếp tục lên đường, như không có việc gì xẩy ra. Còn bọn “nhất quỷ” thì khi máy bay rú trên cao, chúng còn láo quá, dựng cả cây tre chọc thẳng lên trời, như khẩu pháo giương nòng, hòng dọa cả máy bay F4H. Thế rồi bạn nối bạn, tre nối tre tiếp tục hành quân đến trường, miệng vẫn huyên huyên bài ca chưa thuộc của nghệ sỹ Tường Vy: “Rộn ràng tung cánh bay, phi đội ta xuất kích; đại bàng vut cao lên trời mây...”.





2. Quả Tro om, Tro muối – bùi bùi ẩm thực chân quê


Vào quãng tháng 7, tháng 8 (âm lịch) hàng năm là những ngày cây Tro bắt đầu ra hoa, kết trái. Đến tháng 10, tháng 11 âm lịch quả Tro bắt đầu chín, màu vỏ xanh đậm rồi ngả sáng ra như màu xanh da trời.

Tro chín sau khi hái về, được rửa sạch, đem xóc trong “đúa, cạu” tre thưa (rổ tre đan thưa, nan to) xóc cho bong vỏ xanh rữa ra, còn lại quả Tro có màu “hoàng tộc” là đạt yêu cầu, sau đó mang đi om.


Nước om quả Tro phải được đun bằng nước giếng khơi hay nước suối nguồn thì ngon hơn, khi nước nóng già nổi bọt lăn tăn, thì cho quả Tro vào om, đến khi bóp thấy Tro mềm, nước váng nổi vàng sóng sánh như mỡ gà là có thể ăn được rồi. Cùi Tro om càng dầy càng ngon. Khi om Tro phải chú ý thời gian cho phù hợp với độ nóng của nước, nếu không khéo Tro sẽ bị tóp lại, cứng chát không ăn được. Thế nên để có được một mẻ Tro ngon là phải khéo léo, kỳ công. Người ăn Tro “khun” (sành điệu) là người biết chọn mua những quả Tro tròn, cùi dày có màu vàng như mật ong, khi om chín nhấm nháp thấy dẻo, dính ở răng thì đó chính là loài Tro nếp quý.


Cách làm “Tro om” khá cầu kỳ đòi hỏi người làm phải công phu; nếu do bàn tay người dân “vùng Tro” làm ra thì ngon hơn người khác.

Quả Tro ngoài việc mang om chín, thì còn có thể muối mặn để ăn lâu dài như nhút mít, hay dưa cải. Cái vị mặn của muối, vị béo ngậy bùi bùi của Tro, có thể ăn cùng với cơm thì ngon tuyệt.


Ăn Tro om phải thưởng thức khi còn nóng, mới có thể cảm nhận được hương vị của chúng. Thưởng thức món ăn “cây nhà lá vườn” này cũng không thể không có ruốc, hay mắm tôm thêm chút đường, ít giọt chanh, dăm ba lát ớt cay ta, kèm thêm gia vị..v.v. Nhẹ nhàng bẻ đôi quả Tro om, nhớ kiểm tra có bị sâu không nhé! thế là hương vị thơm thơm, bùi bùi tạo nên ấn tượng “ẩm thực” của quê nhà. Ở các vùng quê phía bắc còn có nhiều chiêu, lắm món làm ra từ quả Tro để trở thành thương phẩm hàng hóa giao lưu. Còn ở quê ta quả Tro chủ yếu biếu tặng cho nhau, thi thoảng mới xuất hiện ở chợ Phuống, chợ Rộ...


Những đứa như chúng tôi khi đi học, nay đi làm ở xa quê nên không có nhiều dịp để ăn Tro om mà mẹ làm như ngày còn bé, quả thật thiệt thòi. Nay hàng năm đến mùa Tro thỉnh thoảng nhận được một túi quả Tro quê mà anh rể, chị dâu từ xã Thanh An, Thanh Khê hay bạn bè ở xã Thanh Tùng, Thanh Hà gửi biếu; bùi ngùi xúc động, nỗi thương nhớ trào dâng.

Ai ơi! nhớ lấy mùa tro quê nhà./.


Cao Hòe



THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1