image banner
Hiệu quả mô hình trường học mới
Năm học 2014-2015 là năm thứ ba mô hình Trường học mới (VNEN) được triển khai tại 73 trường tiểu học của 20 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. VNEN ra đời nhằm khắc phục các nhược điểm của mô hình truyền thống nặng về truyền thụ kiến thức có tính áp đặt và đảm bảo sự hài hòa giữa dạy chữ và dạy làm người.

Năm học 2014-2015 là năm thứ ba mô hình Trường học mới (VNEN) được triển khai tại 73 trường tiểu học của 20 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. VNEN ra đời nhằm khắc phục các nhược điểm của mô hình truyền thống nặng về truyền thụ kiến thức có tính áp đặt và đảm bảo sự hài hòa giữa dạy chữ và dạy làm người.


Nghệ An được đánh giá là một trong những tỉnh triển khai mô hình có hiệu quả. Song thực tế, để mô hình trường học mới này duy trì một cách bền vững và lan toả, vẫn còn nhiều việc phải làm…



Lớp học theo mô hình VNEN của Trường Tiểu học Thị trấn Dùng (Thanh Chương).


Hiệu quả bước đầu

Tiết học Tiếng Việt của lớp 5A, Trường Tiểu học Thanh Lĩnh (Thanh Chương), không còn cảnh đọc – chép, thay vào đó, học sinh cùng nhau thảo luận nhóm, phát biểu, nhận xét lẫn nhau rất sôi nổi. Giáo viên kịp thời hỗ trợ các em giải đáp thắc mắc khi có yêu cầu. Lớp học được bố trí theo cấu trúc nhóm, dưới sự quản lý và điều hành của nhóm trưởng. Không gian lớp học trở nên gần gũi và thân thiện khi được bố trí các góc: đồ chơi, đồ dùng và sách vở, hòm thư bạn bè… Mô hình dạy và học mới này đã thực sự tạo được hứng thú cho các em. Em Nguyễn Thị Quỳnh – Lớp 5A chia sẻ: “Mỗi ngày đến lớp, em cảm thấy rất vui và thoải mái. Chúng em được bày tỏ ý kiến, thảo luận và được bạn bè giúp đỡ, thầy, cô hỗ trợ. Không khí lớp học trở nên gần gũi hơn, nên việc tiếp thu bài học cũng dễ dàng hơn”.

“Nhờ tạo được sự hứng thú cho học sinh, nên các em đã phát huy được tính tự giác, tự khám phá kiến thức, đồng thời rèn luyện cách làm việc nhóm. Với phương pháp học này, cả giáo viên và học sinh đều giảm được rất nhiều áp lực dạy - học” – Cô giáo Phạm Thị Sỹ, Trường Tiểu học Thanh Lĩnh chia sẻ. Mô hình VNEN tạo được môi trường học tập thoải mái và phù hợp với tâm, sinh lý học sinh tiểu học, nhờ vậy, kết quả học tập của các em theo đó cũng được nâng lên. Hơn hết là các em phát triển kỹ năng một cách toàn diện; học sinh tự giác, đoàn kết, cũng như mạnh dạn và sáng tạo hơn…

Với những ưu điểm vượt trội, mô hình VNEN cũng nhanh chóng thích hợp và hiệu quả với học sinh các trường tiểu học miền núi. Lớp 2A, Trường Tiểu học Giai Xuân (Tân Kỳ) có 20 học sinh, một nửa trong số đó là người dân tộc Thổ. Thế nhưng, khác với sự nhút nhát, rụt rè ở nhiều bạn nhỏ dân tộc thiểu số, khi nhìn thấy khách, cả lớp đã mạnh dạn chào thầy, cô và tự giới thiệu bản thân mình khi được hỏi thăm. Cô giáo Trương Thị Cương, giáo viên chủ nhiêm lớp vui mừng cho biết, mới đầu năm học đến nay, các em đã tiến bộ trông thấy. Với cách học nhóm, thường xuyên trao đổi cùng bạn bè, qua hòm thư để các em tự do thể hiện ý kiến, bày tỏ tình cảm của mình với bạn bè, thầy cô... Nhờ vậy, các em mạnh dạn hơn, tự tin hơn, linh hoạt hơn trong học tập và giao tiếp.

Qua 3 năm áp dụng mô hình trường học mới ở 73 trường tiểu học của 20 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ học sinh đạt chuẩn giữ vững tỷ lệ học sinh đạt khá giỏi năm sau tăng tăng hơn năm trước và cao hơn so với học sinh lớp 2, 3 học chương trình đại trà. Cụ thể, năm học 2012 – 2013, đối với học sinh khối 2, tỷ lệ học sinh giỏi tăng lên 1% so với năm học trước, môn Toán đạt trên 62%, môn Tiếng Việt đạt 40% học sinh có học lực giỏi. Còn khối lớp 3, so với năm học trước, tỷ lệ học sinh giỏi cũng đều tăng lên 1%, Tiếng Việt đạt trên 44%, môn Toán đạt trên 53%. Tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm xuống hàng năm.

Hiệu quả dễ nhận thấy nhất của mô hình VNEN với phương pháp lấy “hoạt động học” làm trung tâm, qua đó, tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện với các kỹ năng tự học, tự tìm tòi, làm việc độc lập và phối hợp, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống trong môi trường lứa tuổi hình thành nhanh và vững chắc hơn; học sinh tỏ ra rất tự tin trong giao tiếp.

Khó khăn cần tháo gỡ

Tuy nhiên, việc triển khai mô hình trường học mới ở bậc tiểu học còn bộc lộ những bất cập. Đối với những địa bàn thành phố và thị trấn, nơi có lượng học sinh tập trung đông, sỹ số lớp học lớn ,nên rất khó để triển khai được theo đúng yêu cầu đề ra của mô hình VNEN. Trường Tiểu học Thị trấn Thanh Chương là một ví dụ. Trường có 19 lớp học của các khối 2, 3, 4, 5 áp dụng mô hình VNEN. Nhà trường chưa có điều kiện xây dựng nhà bán trú riêng cho học sinh, nên giường ngủ và tủ đựng đồ dùng của các em được bố trí ngay trong phòng học. Bởi vậy, việc tổ chức lớp học theo mô hình VNEN rất khó khăn. Trong không gian phòng học chừng 35m2 (cuối góc lớp được kê tủ đựng đồ dùng cá nhân cho học sinh), có 34 học sinh lớp 4D, chia thành 8 nhóm. Lớp chật nên việc học theo hình thức thảo luận cũng rất bất tiện vì ồn ào. Cô Nguyễn Thị Bình, chủ nhiệm lớp chia sẻ: “Mặc dù rất muốn bố trí thêm các công cụ như: các góc học tập, góc cộng đồng, thư viện lớp học… tạo không gian học tập cho các em, nhưng diện tích lớp học không cho phép. Chưa kể, học sinh đông khiến các em mất tập trung và tự giác, việc quán xuyến lớp học của giáo viên cũng gặp nhiều trở ngại”.

Đó cũng là tình trạng chung của những trường ở khu vực thành phố, thị trấn khi áp dụng mô hình VNEN này. Còn các một số huyện miền núi lại gặp những khó khăn khác. Tài liệu giảng dạy và phương pháp dạy học mới được sắp xếp "3 trong 1": Sách giáo khoa, sách giáo viên và sách hướng dẫn được tích hợp trong một quyển chung. Chỉ cần 1 quyển sách, học sinh có thể tự học, tự làm bài; Giáo viên cũng chỉ nhìn vào đó để hướng dẫn học sinh tự học và cả phụ huynh cũng có thể sử dụng để hướng dẫn con em mình mà không cần bất cứ tài liệu hỗ trợ nào khác. Tuy nhiên, thực tế thì ở vùng đồng bào các dân tộc, nơi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, do đó, việc tham gia hoạt động ứng dụng của phụ huynh với học sinh vẫn còn nhiều bất cập. Anh Bùi Văn Nghệ (xóm Long Thọ - Giai Xuân – Tân Kỳ), có con học lớp 2, chia sẻ: “Con được học cách học mới nên cũng tự tin hơn, mạnh dạn hơn, tôi rất phấn khởi. Nhưng bố mẹ mới học hết cấp một, hiểu biết hạn chế, nên việc giúp cháu cũng khó khăn. Vợ chồng tôi lại thường xuyên bận lên nương, rẫy, nên cũng không có nhiều thời gian giúp cháu học bài”. Ngoài ra, yêu cầu của chương trình là học sinh khi lên lớp 2 phải biết đọc và viết thành thạo mới tự học được, nhưng thực tế, tỷ lệ học sinh yếu Tiếng Việt lại khá phổ biến ở các địa phương này. Như ở Trường Tiểu học Giai Xuân (Tân Kỳ) có đến 68% học sinh là người dân tộc Thổ, nhiều em nói tiếng phổ thông chưa thạo, nên việc tiếp cận chương trình VNEN hạn chế.

Cái khó lớn nhất hiện nay chính là năng lực của đội ngũ giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình VNEN. Theo ông Trần Thế Sơn – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học – Sở Giáo dục và Đào tạo: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là cần bồi dưỡng năng lực đội ngũ giáo viên để họ đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình VNEN. Bởi vậy chúng tôi xác định công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên phải được coi trọng, ưu tiên và phương pháp tập huấn giáo viên phải khác trước. Năm nay, sở đã triển khai nội dung đổi mới sinh hoạt chuyên môn trường, cụm trường cho tất cả các trường theo hướng vào bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên. Ngoài ra, còn triển khai tập huấn cho giáo viên các khối lớp mới thí điểm VNEN, tập huấn đổi mới kỹ năng đánh giá học sinh, giáo dục kỹ năng sống; hướng tới nâng cao năng lực cho chính đội ngũ giáo viên, những người đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy và học.

Có thể thấy rằng, mặc dù còn những tồn tại, nhưng mô hình giáo dục mới này đã phát huy hiệu quả. Hiện nay, đã có nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã học tập và ứng dụng mô hình VNEN từng phần theo khả năng, điều kiện của từng trường. Hy vọng rằng, mô hình này được nhân rộng; triển khai phù hợp và thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.


Kim Oanh theo Baonghean.vn

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1