Tính đến cuối năm 2013 - 2014 , cả nước có 471 trường ĐH, CĐ, số giảng viên trong các trường này là 91.633 người nhưng chỉ có 517 người có học hàm giáo sư. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, số lượng giảng viên hiện nay vẫn thiếu và yếu về số lượng.
Tính đến cuối năm 2013 - 2014 , cả nước có 471 trường ĐH, CĐ, số giảng viên trong các trường này là 91.633 người nhưng chỉ có 517 người có học hàm giáo sư. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, số lượng giảng viên hiện nay vẫn thiếu và yếu về số lượng.
Một giảng đường đại học
Tỷ lệ giảng viên có học hàm thấp
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tính đến cuối năm 2013 - 2014 , cả nước có 471 trường ĐH, CĐ, số giảng viên trong 471 trường này là 91.633 người, tăng 3.951 người so với năm trước. Trong đó số giảng viên có học hàm Giáo sư là 517 người; số giảng viên có học hàm Phó giáo sư là 2.966 người và tổng số giảng viên có học vị Tiến sĩ là 9.562 người.
Tính đến tháng 6/2014, Bộ GD-ĐT đã tuyển và cử đi học nước ngoài được 1.013 giảng viên bằng nguồn ngân sách nhà nước thông qua các Đề án 322, 911...
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, so với yêu cầu đổi mới giáo dục đại học, chất lượng đội ngũ giảng viên vẫn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Mặc dù các trường đã có nhiều nỗ lực, cố gắng đào tạo, bồi dưỡng giảng viên nhưng cho tới nay vẫn còn tồn tại, hạn chế. Tỉ lệ giảng viên có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, trình độ tiến sĩ trong toàn hệ thống còn thấp.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên theo Thứ trưởng Ga, việc triển khai thực hiện Đề án 911 chậm so với kế hoạch do cần phải chờ các văn bản hướng dẫn. Hiện mới có 208 cơ sở giáo dục đại học đã tham gia cử giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài theo Đề án 911. Trong đợt tuyển sinh năm 2013, có một số trường không thành lập hội đồng xét tuyển cơ sở, cử ứng viên dự tuyển chưa đúng đối tượng, gây khó khăn cho Hội đồng xét duyệt của Bộ GD-ĐT.
Bên cạnh đó, một số cơ sở đào tạo chưa thực sự quan tâm đến duy trì và phát triển đội ngũ giảng viên, nên dẫn tới một số ngành đại học, chuyên ngành thạc sĩ, tiến sĩ không đảm bảo điều kiện giảng viên cơ hữu theo quy định và đã bị dừng tuyển sinh. Nhiều trường ngoài công lập dựa vào đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là chính, chưa xây dựng được đội ngũ giảng viên cơ hữu riêng đủ mạnh để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Việc tuyển dụng giáo viên ở các trường trực thuộc địa phương có khó khăn nên phần lớn dựa vào sinh viên tốt nghiệp tại trường rồi bồi dưỡng, phát triển thành giảng viên ảnh hưởng đến công tác đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy.
Qua rà soát các trường đại học năm 2013 của Bộ GD-ĐT cho thấy trung bình tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng trên số giảng viên quy đổi (SV/GV) đạt 22,7, nhiều trường có tỷ lệ SV/GV vượt quá quy định (45 trường có trên 30 - 50 SV/GV), 09 trường có trên 50 SV/GV. Đặc biệt, trong 3.575 ngành đào tạo ĐH,CĐ được Bộ GD-ĐT khảo sát, trên 500 ngành có số sinh viên vượt quá 30 SV/GV quy đổi, trong đó gần 100 ngành có tỷ lệ SV/GV đạt trên 100 tập trung ở khối ngành Kinh tế - quản lý, Luật và Giáo dục.
Thiếu giảng viên do mở trường ồ ạt
Đầu năm 2014, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định dừng 207 ngành đào tạo đại học ở 71 cơ sở đào tạo do không đủ điều kiện và chủ yếu là thiếu đội ngũ giảng viên đã làm gây “sốc” với các trường và dư luận. Tương tự, khối trường cao đẳng cũng có tới 296 ngành CĐ thuộc 74 cơ sở đào tạo trình độ đại học hoạt động không đúng quy định.
Bộ GD-ĐT yêu cầu, chậm nhất trước ngày 31/12/2014, các cơ sở đào tạo lập báo cáo về Bộ. Sau ngày 31/12/2014, những ngành không có báo cáo hoặc không bổ sung được đội ngũ giảng viên cơ hữu theo quy định sẽ bị xử lý theo quy định.
Nhiều diễn đàn giáo dục, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc thiếu đội ngũ giảng viên là do những năm gần đây, vì chạy theo xu thế coi trọng bằng cấp của phần lớn người dân, nhiều trường trung cấp, cao đẳng đã bằng nhiều cách để xin nâng cấp lên thành các trường đại học. Do đó, đào tạo giảng viên không đuổi kịp với việc nâng cấp này.
Việc nâng cấp một lượng lớn các trường trung cấp lên CĐ, CĐ lên ĐH diễn ra một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều trường khi được nâng cấp lại có nhiều ngành nghề không đúng với thực chất năng lực đào tạo dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực không đáp được so với yêu cầu xã hội.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, nếu một trường ĐH muốn mở một ngành nào đó thì phải có ít nhất là 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ làm giảng viên. Thế nhưng trên thực tế, trong quá trình giảng dạy, nhiều trường đã không đảm bảo đội ngũ và chất lượng giảng viên so với yêu cầu đề ra.
GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Nguyên nhân của thực trạng trên một phần là do Bộ GD-ĐT vẫn còn lỏng lẻo khi kiểm soát hoạt động đào tạo của các trường so với báo cáo, cam kết sau khi xin được nâng cấp hệ đào tạo. Các trường không nên chạy theo cái mác ĐH khi mà nội dung đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có đủ đội ngũ giảng viên chuyên ngành đạt trình độ để giảng dạy ĐH, CĐ”.
Theo GS Thi, nhiều trường ĐH ở các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới quy định nếu mở một ngành nào đó thì phải có giảng viên đạt trình độ Tiến sĩ trở lên. Còn ở nước ta, Bộ GD-ĐT quy định mở một ngành ĐH nào đó phải có ít nhất là 1 tiến sĩ, 3 thạc sĩ làm giảng viên. Mặc dù không thể so sánh giữa giảng dạy ĐH, CĐ ở nước với những nước khác nhưng khi nước ta đang hội nhập với thế giới thì cũng cần nghĩ tới xu hướng đào tạo ĐH và yêu cầu mở ngành phải như các nước có tiền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Do vậy, việc kiểm soát chất lượng đào tạo cũng như mở ngành, nâng cấp các trường trung cấp, CĐ lên ĐH cần phải được thực hiện nghiêm túc. Việc làm này càng phải được cân nhắc thận trọng vì mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho xã hội.
Kim Yến theo Dân trí