image banner
Thiện Nhân với “Cô Đôi Thượng Ngàn”
Cháu Nguyễn Thiện Nhân biểu diễn tiết mục “Cô Đôi Thượng Ngàn” làm chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tôi lục lọi lại, nhớ lại những hiểu biết về Hát Chầu văn, về Cô Đôi Thượng Ngàn và về cháu Thiện Nhân...

Cháu Nguyễn Thiện Nhân biểu diễn tiết mục “Cô Đôi Thượng Ngàn” làm chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tôi lục lọi lại, nhớ lại những hiểu biết về Hát Chầu văn, về Cô Đôi Thượng Ngàn và về cháu Thiện Nhân...

 

1. Cô Đôi Thượng Ngàn

 

Theo truyền thuyết, “Cô Đôi Thượng Ngàn” là một tiên nữ. Cô Đôi theo hầu Mẫu Thượng Ngàn (Bà Chúa Sơn Trang) học đạo phép để giúp dân, được Mẫu Bà truyền cho vạn phép, giao cho Cô dạy người rừng biết thống nhất về ngôn ngữ. Cô Đôi được giáng sinh xuống đất Ninh Bình làm con gái của một gia đình ở chốn sơn lâm. Khi hạ sinh, Cô Đôi rất xinh đẹp, tài hoa, có đạo phép biến hóa thành người thường giúp dân, được mọi người mến phục.

Đền Cô Đôi Thượng Ngàn tại làng Bồng Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình (qua rừng quốc gia Cúc Phương).

 

Anh-tin-bai

 

2. Nội dung bài Chầu văn “Cô Đôi Thượng Ngàn”

 

Nội dung chủ yếu của bài Chầu văn “Cô Đôi Thượng Ngàn” do Thiện Nhân thể hiện mô tả một nàng tiên không chỉ xinh đẹp ở nơi Điện Ngọc Kim Môn, mà còn là tuyệt thế giai nhân ở cõi trần. Mô tả cảnh Cô Đôi Thượng Ngàn về với trần gian Sơn lâm Sơn trang. Nơi cảnh núi non, cảnh đời, cảnh phật, cảnh tiên đẹp tuyệt diệu. Mây vờn núi, núi trong mây, ngàn cỏ hoa tăm tắp màu xanh. Đồi tím sim hoa, sim trái, măng rừng, nấm hương và nhiều hoa thơm cỏ lạ. Dòng sông Thương, suối nước chảy trong veo, đàn cá trèo ngược nước, lượn bơi vẫy vùng. Những cô thôn nữ lưng đeo gùi mây nặng trĩu, cùng với các nàng tiên dạo gót, đủng đỉnh vào ra sớm chiều. Về đêm lại có gió mát trăng thanh, sống động bởi ánh đuốc lập lòe, tiếng chim kêu, vượn hót, tiếng thú rừng gọi nhau.v.v. Thật là tuyệt.

 

 

 

3. Thiện Nhân “xuất thần”

 

Quá trình biểu diễn của cháu Thiện Nhân hết sức tự nhiên, bình thản, mộc mạc trước hàng ngàn khán giả trực tiếp và hàng triệu khán giả truyền hình. Với chất liệu giọng Soprano (nữ cao), giọng mỏng, âm vực rộng, vừa lên cao chót vót, vừa xuống thấp an toàn; vẫn thể hiện một cách thánh thót, sáng trưng mà ấm cúng.

 

Cung văn hỗ có 05 người đều là những người có kỹ năng hát và kỹ thuật vê đàn, rung trống, gõ thanh la, huýt sáo điêu luyện, tạo âm thanh hòa quyện, rung động lòng người đã hỗ trợ tuyệt vời để Thiện Nhân thăng hoa.

 

Thiện Nhân đã nhập tâm lời và nhạc của  “Cô Đôi thượng ngàn” với thời gian luyện tập hết sức ngắn ngủi – chỉ một tuần lễ; thế mà cháu đã hóa thân, tái hiện thành công “Cô Đôi Thượng Ngàn” của chúng ta.

 

  Anh-tin-bai

Tính ngẫu hứng về trường độ, cao độ, giai điệu và tiết tấu của Thiện Nhân hòa quyện bởi những điệp khúc hát đế, hát phụ họa, nhằm động viên, khích lệ Cô Đôi Thượng Ngàn thông qua “Văn nương” Thiện Nhân (Cô trèo đèo lội suối, vãn cảnh Sơn Trang; Cô đẹp quá, hát hay quá, múa dẻo quá, duyên dáng quá; Cô đẹp như Thiên Nga giáng trần; Cô về phát tài phát lộc cho người nghèo chốn trần gian...). Từ đó Thiện Nhân bùng nổ chuyển đoạn tiết tấu nhanh tạo nên cao trào, để lại ấn tượng mạnh cho khán thính giả.

 

Thông qua tiết mục “Cô Đôi thượng ngàn” của Thiện Nhân đã góp phần “gõ cửa tâm hồn cộng đồng” về Nghi lễ hầu đồng của người Việt; đó là một sự tổng hòa giữa yếu tố tâm linh, tính nghệ thuật của lời hát, điệu múa, âm nhạc và cả những giai thoại lịch sử về các vị Thánh. Ở đấy còn chứa đựng cả một quá trình lịch sử, văn hóa và đời sống tâm linh của người Việt chúng ta.

Cháu Thiện Nhân “đu đủ” tại một xứ sở thuần nông – đất võ Bình Định - con gái của một gia đình nông dân - “con nhà lành” chưa từng qua một trường lớp âm nhạc nào mà lại dám “cả gan” thể hiện những ca khúc đẳng cấp như “Mẹ yêu con” của Nguyễn Văn Tý, “Đất nước lời ru” của Văn Thành Nho, rồi “Cô Đôi thượng ngàn”.v.v. Những ca khúc ấy thường dành cho các Diva.

  Anh-tin-bai

Riêng tiết mục “Cô Đôi thượng ngàn”, chúng tôi đã phải nghe lại các nghệ nhân hát Chầu văn: Văn Chung, Thanh Long, Khắc Tư (CLB Bảo tồn nghệ thuật Chầu văn Việt Nam); các Liền anh, liền chị Quan họ (Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh) hoặc NSUT Hồng Ngát (Nhà hát Dân ca TW); nghe các “bậc cha chú” hát đi hát lại nhiều lần, đem so sánh với Thiện Nhân mới có thể cảm nhận hết cái tinh túy, đặc tả “trời phú” của Thiện Nhân.

 

Cám ơn HLV Cẩm Ly, NS Minh Vy, NSND Thu Hiền, NSUT Tuyết Mai; nghệ nhân Hữu Đức; các nghệ sỹ: Hồng Mẫn, Nhật Minh, Tiến Đạt; nhóm múa Mai Trắng, tất cả mọi người đã vô tư vì một tài năng nghệ thuật, giúp cháu Thiện Nhân thể hiện tiết mục thành công rực rỡ, tạo nên đỉnh cao của tác phẩm nghệ thuật Chầu văn.

 

Thiện Nhân dường như đã không chỉ đang thực hiện ước mơ của riêng mình, mà đã chuyên chở thay cho ước mơ của những phận đời khác, của những người quanh năm đầu tắt mặt tối với mảnh đất khô cằn; những người dân quê, những thầy cô giáo, bạn bè và gia đình (ông Nguyễn Xuân Phương – bố, bà Hồ Thị Tân – mẹ...); của thôn Quang Hy, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định và của tất cả những ai yêu mến nghệ thuật hát Chầu văn.

  

Anh-tin-bai

 

Mong sao cháu mãi là Thiện Nhân “đu đủ” tiếp tục phát huy năng khiếu “Thiên bẩm”, đã từng đoạt giải nhì hội thi “Tiếng hát Hoa phượng đỏ” tỉnh Bình Định năm 2012; giải nhất cuộc thi “Tiếng hát giáo viên và học sinh của ngành Giáo dục” tỉnh Bình Định năm 2013 và quán quân “Giọng hát Việt nhí – The Voice Kids” toàn quốc năm 2014; mong sao cháu tiếp tục chăm chỉ học tập, yêu thương bố mẹ và người thân; yêu mến thầy cô giáo và bạn bè; yêu quý quê hương, say sưa với những làn điệu hát Bài Chòi – đặc sản của dân ca miền Trung; vẫn hồn nhiên, bình dị tại quê nhà hoặc chốn đô thành. Hãy chăm lo học tập chu đáo, cháu cần có trình độ ít nhất là Cử nhân, để rồi từ đó cháu sẽ tự tin lựa chọn nghề, sẽ thành đạt trong sự nghiệp một cách bền vững và sáng giá.

 

Từ “hiện tượng” Nguyễn Thiện Nhân, tôi đã cất công lục lọi lại sự hiểu biết của mình về các loại hình nghệ thuật, nhất là nghệ thuật biểu diễn, trong đó có hát Chầu văn; những cái mà lâu nay bị “nghiệp hoạt động xã hội” che khuất, thậm chí bị “ăn mòn”. Bằng sự trải nghiệm và chiêm nghiệm của mình để rồi lại được “thăng hoa” một cách từ tốn, để rồi lắng mãi “tinh hoa nghệ thuật Chầu văn” trong tâm hồn của chúng ta./.

                                                                                                                                                                                                                                                                                  Kim Yến.

 

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1